Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ tính riêng trong tháng 3/2022, xuất khẩu cao su đạt 130 nghìn tấn, trị giá 233 triệu USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 28,2% về trị giá so với tháng 2/2022. Lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 424 nghìn tấn, trị giá 746 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 10,7% về trị giá so với cùng kỳ.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, giá cao su trong năm 2022 có khả năng tiếp tục gia tăng do việc mở lại đường biên của một số quốc gia và nối lại các hoạt động thương mại. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu cao su toàn cầu tăng cao để phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm trang thiết bị ngành y tế như găng tay.
Xuất khẩu cao su trong tháng 3 tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Theo đó, các chủng loại cao su được xuất khẩu nhiều nhất là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, Latex, SVR3L, SVR10, RSS3, SVRCV60 chiếm 64,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 189 nghìn tấn, trị giá 329 triệu USD, giảm 1,3% về lượng, nhưng tăng 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam chủ yếu là Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Séc.... Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm tới 99,6% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước.
Ngoài ra, thị trường cao su thế giới cũng có nhiều dấu hiệu tích cực, giá cao su thế giới ngày 6/4 là 264.00 JPY/kg, tăng 2,08% so với cùng kỳ tháng trước.
Còn theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), ước tính sản lượng cao su của thế giới năm 2022 đạt khoảng 14,55 triệu tấn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại quan ngại, việc xuất khẩu cao su sang Trung Quốc trong thời gian tới có thể gặp khó do chính sách “zero covid” của nước này, cộng với chiến sự tại Nga – Ukraine chưa hạ nhiệt, giá dầu thô thế giới có nhiều biến động sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việt xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Nguyễn Quế