Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 2/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 101,66 nghìn tấn, trị giá 181,75 triệu USD, giảm 47,2% về lượng và giảm 45,1% về trị giá so với tháng 1/2022; so với tháng 2/2021 giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 5,4% về trị giá.
Xuất khẩu cao su giai đoạn 2020 - 2022 (đơn vị nghìn tấn). |
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 294,35 nghìn tấn, trị giá 512,81 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và tăng 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 2/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.788 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng 1/2022 và tăng 8% so với tháng 2/2021.
Tháng 2/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 66,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 67,18 nghìn tấn, trị giá 117,15 triệu USD, giảm 53,1% về lượng và giảm 51,9% về trị giá so với tháng 1/2022; so với tháng 2/2021 giảm 9,9% về lượng và giảm 1,8% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.744 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 1/2022 và tăng 9% so với tháng 2/2021.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 210,42 nghìn tấn cao su, trị giá 360,96 triệu USD, giảm 2,8% về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 2/2022, xuất khẩu cao su sang một số thị trường tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với tháng 2/2021 như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga...
Thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định thị trường cao su sẽ có nhiều biến động do xung đột giữa Nga với Ukraine sẽ tác động đến thị trường hàng hóa, trong đó có mặt hàng cao su. Nga và Ukraine là hai trong số những nước tiêu thụ các sản phẩm làm từ cao su nhiều nhất thế giới.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Nga cũng sẽ gặp khó khăn do vận tải bị ngừng trệ, rủi ro về giao dịch ngân hàng... Việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Tuy nhiên, ngành cao su Việt Nam cũng đang có những lợi thế cạnh tranh. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong năm 2021, Việt Nam vẫn đứng vị trí thứ 3 về sản lượng và xuất khẩu, sau 2 thị trường lớn là Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, năng suất của Việt Nam đạt 1.682 kg/ha, trở thành nước đứng đầu châu Á về năng suất mủ cao su, vượt các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia…
Hiện nay, Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết chủ trương của Chính phủ là không mở rộng diện tích cao su nên việc tăng năng suất qua sử dụng giống cao sản, cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, tiếp tục nghiên cứu phát triển bền vững (thông qua việc gia tăng diện tích vườn cao su được cấp chứng chỉ bền vững, gia tăng doanh nghiệp đạt chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm làm tăng khả năng truy xuất nguồn gốc và tăng tính minh bạch trong ngành, nghiên cứu các mô hình nông lâm kết hợp,...) là những yếu tố giúp ngành cao su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thy Lê