Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su đang bị ảnh hưởng bởi nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất do nằm trong khu vực phong tỏa, hoặc sản xuất bị ảnh hưởng vì công nhân nghỉ việc, bị cách ly, sống trong vùng có dịch...
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể tác động tới đà tăng trưởng của xuất khẩu cao su. |
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu được cải thiện, tình trạng thiếu container rỗng sẽ tiếp tục diễn ra. Đồng thời, giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang tận năm 2022, do đó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Tuy nhiên, về triển vọng lâu dài, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ nhu cầu tại các nước này được cải thiện và kinh tế đang dần hồi phục do các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.
Tháng 7/2021, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 74,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 151,54 nghìn tấn, trị giá 245,47 triệu USD, tăng 30,8% về lượng và tăng 29,9% về trị giá so với tháng 6/2021; so với tháng 7/2020 giảm 10,6% về lượng nhưng tăng 20,7% về trị giá.
Giá bình quân xuất khẩu cao su sang Trung Quốc ở mức 1.620 USD/tấn, giảm 0,6% so với tháng 6/2021, nhưng tăng 35% so với tháng 7/2020. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 643,16 nghìn tấn cao su, trị giá 1,04 tỷ USD, tăng 26,4% về lượng và tăng 62,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/8/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt trên 1 triệu tấn, trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 27% về lượng và tăng 66,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thy Lê