Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính chung quý I/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 552,61 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,23 tỷ USD, giảm 5,0% về lượng và giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù, chịu ảnh hưởng bởi xu hướng người tiêu dùng thế giới cắt giảm chi tiêu, tài chính của các nhà rang xay lớn trên thế giới bị ảnh hưởng do lạm phát, tuy vậy nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê cho biết họ vẫn ghi nhận tín hiệu khả quan về đơn hàng.
Cơ hội giữa ‘bão lạm phát’
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), chia sẻ với VnBusiness rằng, tín hiệu thị trường cho thấy năm nay cà phê Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD. Hiện, đơn hàng của DN không bị ảnh hưởng do sản lượng cà phê của các nước giảm nên nhiều đối tác vẫn gia tăng mua cà phê Robusta từ Việt Nam. Đặc biệt, đối với các mặt hàng cà phê đặc sản, đối tác đặt hàng với số lượng lớn nhưng chúng ta không đáp ứng được do sản lượng loại cà phê này rất ít.
Giá cà phê xuất khẩu có xu hướng tăng trong tháng 3/2023 (Tính toán từ số liệu Tổng cục Hải quan). |
“Cách đây 5-10 năm, nhà mua hàng thế giới không biết tới cà phê đặc sản Việt Nam nên còn e dè, nhưng vài năm nay nhờ cách đẩy mạnh truyền thông, tiếp thị nên họ rất quan tâm đến mặt hàng này của Việt Nam”, ông Huy thông tin.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), những ngày đầu tháng 4/2023, giá cà phê Robusta và Arabica tăng sau khi có ước tính của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) về tiêu thụ cà phê toàn cầu vào khoảng 178,50 triệu bao, trong khi nguồn cung cà phê toàn cầu ước tính chỉ khoảng 171,30 triệu bao. Do đó, thị trường cà phê thế giới sẽ thiếu hụt 7,27 triệu bao. Thị trường cũng đang chờ dữ liệu báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 3/2023 của Brazil khi ước tính ban đầu giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam đánh giá: “Sự gia tăng nhanh chóng của giá Robusta từ đầu năm đến nay chủ yếu đến từ những lo ngại của thị trường về vấn đề khan hiếm nguồn cung tại các nước cung ứng. Dù vậy, mức giá cao ở thời điểm hiện tại đang là lợi thế khá tốt cho hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam”.
“Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có thể tận dụng tình hình giá cả đang ở mức cao, dao động từ 49.300 - 49.800 đồng/kg, cùng hỗ trợ kép khi nhu cầu tăng trưởng ổn định và hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp đều có sản lượng thấp, để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đây chính là cơ hội để Việt Nam duy trì kim ngạch xuất khẩu ngành cà phê trên 4 tỷ USD, tiếp nối kỷ lục năm 2022”, ông Phạm Quang Anh chỉ rõ cơ hội.
Tuy vậy, ngành hàng tỷ đô này vẫn đang đối mặt với thách thức trước mắt, cảnh báo mới đây của Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường khu vực Bắc Âu cho biết, quy định mới nhất của EU yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất cà phê ở các nước xuất khẩu. Đề xuất này yêu cầu dán nhãn các quốc gia trồng cà phê là có rủi ro thấp hoặc rủi ro cao. Cà phê từ các vùng có có rủi ro cao phải đáp ứng các yêu cầu thẩm định nhiều hơn so với các vùng rủi ro thấp.
Đáng chú ý, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cũng cho hay, trong bối cảnh EU thay đổi chính sách, các DN Việt đòi hỏi phải đầu tư công nghệ để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, quan tâm đến môi trường và đáp ứng quy định về sản phẩm không nằm trong vùng đất liên quan tới phá rừng. Điều đó có nghĩa, EU sẽ không nhập khẩu sản phẩm cà phê nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái.
Thách thức từ các tiêu chuẩn bền vững
Với quy định mới trên, ông Huy cho rằng cơ quan chức năng của Việt Nam cần phải theo dõi kỹ các yêu cầu từ thị trường EU cũng như các đối tác nhập khẩu lớn để quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, tuyệt đối không phát triển mới vùng sản xuất cà phê ở các vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái.
Qua thời chạy theo số lượng, ngành cà phê trước thách thức phải phát triển bền vững. |
Đặc biệt, các nhà mua hàng đang có nhu cầu lớn đối với cà phê đặc sản, cà phê đạt tiêu chuẩn chứng nhận như 4 C Common Code, Utz Certified, Smithsonian Bird Friendly, Rainforest Alliance… Đáp ứng được các tiêu chuẩn sẽ giúp nâng cao giá trị của hạt cà phê Việt Nam gấp nhiều lần, đồng thời gia tăng thu nhập cho bà con nông dân, không còn thấp thỏm lo "được mùa mất giá”.
Ông Huy cũng nhấn mạnh, Việt Nam nên hướng mạnh vào phát triển cà phê Robusta – mặt hàng mình có lợi thế, đồng thời khẳng định chất lượng, tăng độ lớn của thị trường cà phê đặc sản để quyết định giá cả, làm sao phải gắn trách nhiệm đối với sản xuất cà phê.
Liên quan tới câu chuyện nâng cao chất lượng cà phê, ông Đinh Vĩnh Tường, Chủ tịch Câu lạc bộ kết nối doanh nhân Việt Nam – Quốc tế, đơn vị thường xuyên trao đổi với các phòng thương mại và công nghiệp các nước và tổ chức các hội thảo, trong đó đều mang cà phê Việt ra giới thiệu cho khách quốc tế.
Ông Tường cho biết, bản thân ông có công ty chuyên về cà phê, DN không xuất khẩu thô mà chế biến sâu. “Chúng tôi có đối tác Mỹ yêu cầu công ty cung cấp 1.000 tấn cà phê theo tiêu chuẩn USDA của họ. Sau đó, chúng tôi đưa đoàn DN Mỹ đến Di Linh (Lâm Đồng) để khảo sát và làm việc với bí thư, chủ tịch huyện và các HTX ở Di Linh nhưng không tìm được nguồn hàng".
“Để phát triển và nâng giá trị cà phê Việt trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng đầu tư sản xuất cà phê sạch để đáp ứng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những thị trường khó tính”, ông Cường chia sẻ cần xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng cà phê lớn để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê từ vùng trồng này.
Thy Lê