Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu năm 2020 ước chỉ đạt 765 triệu USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, xuất khẩu cà phê năm 2019 ước đạt 1,57 triệu tấn và 2,71 tỷ USD; giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,7% về giá trị so với năm 2018. Đức và Mỹ tiếp tục là 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13% và 8,4%. Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2019 đạt 1.723 USD/tấn, giảm 9% so với năm 2018.
Tình thế rất ngặt nghèo
Dường như dịch Covid-19 đang phá vỡ toàn bộ ngành cà phê trên thế giới, khi các quán, cửa hàng cà phê bị đóng cửa hoặc hạn chế kinh doanh ở nhiều quốc gia.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/4/2020, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 15 USD, xuống 1.171 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 18 USD, còn 1.204 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 3,55 cent/lb, xuống 116 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 3 cent/lb, còn 117,35 cent/lb.
Cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đang đứng trước thảm cảnh “đổ vỡ” nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước để vượt qua giai đoạn khó khăn (Ảnh minh họa: Internet) |
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm thêm 200 – 300 đồng, xuống dao động trong khung 29.200 – 29.500 đồng/kg. Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.304 USD/tấn, FOB – HCM, với mức chênh lệch cộng 80 – 100 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London. Ngày 2/4/2020, giá cà phê ở Tây Nguyên tiếp tục giảm, cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk là 29.400 đồng/kg, giá thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 28.800 đồng/kg. Giá cà phê giao tại cảng TP.HCM trong ngày 2/4 giảm 300 đồng/kg, về ngưỡng 30.700 đồng/kg.
Trước đó, tính chung cả tuần 13 của năm 2020, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm tất cả 35 USD, tức giảm 2,81%, xuống 1.209 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 28 USD, tức giảm 2,20 %, còn 1.244 USD/tấn. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm tất cả 3,85 cent, tức giảm 3,22 %, xuống 115,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm tất cả 3 cent, tức giảm 2,51 %, còn 116,75 cent/lb.
Dịch bệnh Covid-19 đã phá vỡ tất cả, từ thị trường chứng khoán cho đến công việc hàng ngày của mọi công dân trên khắp thế giới. Hai nhóm thị trường chủ lực cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam là EU và Mỹ đều đang “chìm” trong dịch Covid, hầu hết các quán cà phê tại những thị trường này đang vắng bặt khách. New York – “thành phố không bao giờ ngủ” đã vươn lên cùng nước Mỹ trở thành ổ dịch hàng đầu thế giới với tổng cộng hơn 140.000 người bị lây nhiễm. Gói ngân sách hơn 3.000 tỷ USD đã được các nước tung ra để hỗ trợ cho dân chúng trong thời gian thị trường đóng cửa và gia tăng sức mạnh cho ngành y tế để chống dịch quyết liệt hơn nữa như Mỹ, Đức, Pháp… Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, lượng tiền khổng lồ được tung ra sẽ gia tăng lạm phát ở các mặt hàng khác, nhưng riêng ngành cà phê sẽ không được hưởng lợi, bởi đây là mặt hàng không được ưu tiên kích cầu trong thời điểm này.
Trước đó, trong tháng 2 và tháng 3/2020, tranh thủ khi giá cà phê đang rẻ, nhiều nhà nhập khẩu cà phê đã tăng cường dự trữ vì lo ngại chính sách đóng cửa chống Covid-19. Tại một số quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, các nhà nhập khẩu cà phê đang tăng cường dự trữ, chuyển các đơn hàng lên trước một tháng để tránh rơi vào tình trạng thiếu hụt nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi lệnh đóng cửa để chống virus corona chủng mới. Theo một nhà nhập khẩu cà phê lớn từ Mỹ, thời gian qua, các nhà máy rang xay tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng tốc độ giao hàng từ các nguồn gốc khác, như Trung Mỹ, đặc biệt là Colombia. Bởi, trong khi cà phê Việt Nam thường thu hoạch từ tháng 11 đến hết tháng 4 hàng năm, thì các quốc gia Trung Mỹ thu hoạch cà phê từ cuối tháng 3 và Nam Mỹ thu hoạch cà phê từ tháng 5 đến hết tháng 9. Dự kiến, khi Brazil bắt đầu thu hoạch cà phê vào tháng 5, cũng là lúc các kho cà phê của thương nhân ở Mỹ và EU đã đầy hàng, nên chưa thể đoán biết thị trường cà phê khi đó sẽ theo hướng nào.
Cần “cứu” ngành cà phê
Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, với diện tích hơn 650.000 ha, sản lượng 1,6-1,7 triệu tấn/năm, chỉ đứng sau Brazil. So với thời điểm mức giá cà phê xuất khẩu đạt cao 2.300 USD/tấn vào năm 2014, thì hiện tại giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm 43%.
Ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê 2/9 Đắk Lắk (Semexco) – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu cả nước cho biết, trong quý I năm nay, Semexco đã ký các hợp đồng xuất khẩu với khối lượng 30.000 tấn, nhưng dịch diễn biến phức tạp khiến các đối tác ngừng nhập hàng. Trong khi giá cà phê giảm sâu, các hợp đồng mới tại châu Âu không ký được, Công ty tìm đến các thị trường khác nhưng tình hình cũng không khả quan hơn.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, suốt những năm qua, cà phê bán ra không đủ bù đắp chi phí sản xuất, khiến người nông dân không thể trả được lãi vay ngân hàng. Trong bối cảnh xuất khẩu cà phê ngày càng khó khăn do cung vượt cầu, nhiều doanh nghiệp cà phê cũng đang phát triển thị trường tiêu thụ trong nước nhằm thúc đẩy đầu ra cho cà phê Việt Nam. Bởi, cả nước có gần 30.000 quán cà phê và đang có xu hướng tăng nhanh. Tính trung bình toàn thế giới mỗi người tiêu thụ khoảng 7kg cà phê/năm, nhưng tại Việt Nam mới chỉ đạt 2kg/người/năm. Tuy nhiên thời điểm hiện nay, việc 30.000 quán cà phê phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, khiến cà phê càng không có cửa tiêu thụ.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện việc xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp Đắk Lắk gần như tê liệt.
Niên vụ 2018-2019 vừa qua được đánh giá là cơn bĩ cực của ngành cà phê Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung, do giá thấp, kim ngạch xuất khẩu giảm hơn 500 triệu USD. Ngành hàng cà phê kỳ vọng cà phê sẽ khởi sắc trở tại trong năm 2020. Thế nhưng, ngay từ đầu năm, tình hình đã vô cùng khó khăn khi giá cà phê tiếp tục giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua và được dự báo khủng hoảng giá sẽ còn kéo dài. Cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đang đứng trước thảm cảnh “đổ vỡ” nếu không có những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước để vượt qua giai đoạn khó khăn. Chính phủ cần sớm hỗ trợ về lãi suất, tín dụng đối với các đơn vị đang triển khai những hợp đồng xuất khẩu, nông dân trồng cà phê để duy trì sản xuất.
Chu Khôi