Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam ông Nguyễn Văn Sưa, cho biết sản lượng gang sản xuất trong nước năm 2018 đạt 7 triệu tấn, dự kiến tăng lên 13 triệu tấn vào năm 2020; sản lượng thép thô tương ứng đạt 14 triệu tấn và 20 triệu tấn.
Sản lượng lớn
Quá trình sản xuất gang, thép sẽ tạo ra khối lượng xỉ lớn (xỉ lò cao, xỉ luyện thép). Năm 2018, lượng xỉ gang thép đạt trên 4 triệu tấn, năm 2020 sẽ đạt trên 7 triệu tấn.
Hiện nay, các DN thép ý thức đây là sản phẩm có giá trị nên đã đầu tư công nghệ chế biến nhằm khai thác sử dụng lại các loại xỉ, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, việc sử dụng xỉ cho sản xuất xi măng đem lại hiệu ứng kép về kinh tế và môi trường. Theo phân tích tính toán, sản phẩm xi măng làm từ xỉ thép có thể giảm phát thải tới 44% khí CO2 so với các sản phẩm xi măng thông thường.
Tính đến hết tháng 9/2018, ngành xi măng Việt Nam có 82 dây chuyền sản xuất bằng công nghệ lò quay phương pháp khô; tổng công suất thiết kế là 99 triệu tấn xi măng. Phụ gia xi măng gồm thạch cao khoảng 5%, còn lại 25% gồm các loại pu – zơ – lan, tro nhiệt điện, đá vôi, đá bazan, xỉ hạt lò cao. Tro bay nhiệt điện có thể sử dụng làm nguyên liệu, phụ gia sản xuất xi măng và phụ gia bê tông.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nhu cầu sản xuất xi măng có chứa phụ gia ngày càng cao. Trước đây, nhiều nước trên thế giới lựa chọn tỷ lệ sản xuất xi măng khoảng 50% xi măng không phụ gia và 50% xi măng có pha phụ gia.
Tuy nhiên, ngày nay, tất cả các nước đều chuyển sang sản xuất xi măng có chứa phụ gia. Ở Việt Nam, xi măng có chứa phụ gia đóng vai trò chủ đạo. Một trong những phụ gia chủ yếu là xỉ lò cao, ngoài ra còn có pu – zơ – lan, đá vôi, tro, xỉ nhiệt điện.
Do vậy, nhu cầu xỉ lò cao có thể đạt ngưỡng 20 triệu tấn, đây là sản phẩm nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xi măng. Trong khi đó, xỉ được coi là sản phẩm phụ trong ngành sản xuất thép, vì vậy ngành sản xuất xi măng có thể tận dụng sản phẩm này vừa bảo vệ môi trường, vừa nâng cao hiệu quả.
Việt Nam hiện vẫn chưa có một hệ thống tiêu chuẩn về xỉ gang, thép |
Thiếu hành lang pháp lý
Để chế biến và tiêu thụ sản xuất xỉ, gang thép, vừa qua, Nhà nước đã đưa ra nhiều quy định, chính sách, nhưng theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN), hành hang pháp lý hiện vẫn chưa hoàn thiện, cần bổ sung hỗ trợ để giúp DN sản xuất và kinh doanh.
Đại diện công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomorsa Hà Tĩnh, cho biết đối với sản phẩm xỉ gang thép, DN này đã nhận được hợp chuẩn làm cấp phối đường, làm nền, được công nhận là sản phẩm hàng hóa, nhưng khi sử dụng trong nhà máy hoặc chuyển giao bên ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Mỗi đơn vị chủ quản yêu cầu cung cấp nhiều văn bản pháp lý khác nhau. Chính vì vậy, DN kiến nghị Chính phủ đề ra các tiêu chuẩn cơ bản khi đưa xỉ thép vào ứng dụng.
Đại diện các DN, Hiệp hội Thép cũng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ứng xử đúng với quá trình sản xuất, vận chuyển và sử dụng xỉ gang thép để hỗ trợ DN.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết để sản phẩm xỉ hạt lò cao nghiền mịn của DN này nói riêng và Việt Nam nói chung sớm đưa vào sử dụng đại trà mang lại lợi ích cho các đơn vị sử dụng và cho ngành xây dựng, rất cần sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và các đơn vị, DN trong và ngoài nước cùng đầu tư nghiên cứu, sử dụng.
Các nghiên cứu tiếp theo cần tập trung vào việc tính toán, lựa chọn cấp phối tối ưu cho các chủng loại bê tông, phù hợp với nguồn cốt liệu, đặc điểm khí hậu của từng vùng, nghiên cứu lựa chọn phụ gia hóa học tương thích nhằm cải thiện tính công tác của bê tông.
Ưu tiên nghiên cứu chế tạo bê tông mác cao, bê tông tính năng cao và bê tông mác siêu cao sử dụng nguồn phụ gia xỉ hạt lò cao nghiền mịn.
Bên cạnh đó, một lý do khiến các DN xi măng cũng như ngành xây dựng chưa "mặn mà" khi sử dụng xỉ gang thép là do tiêu hao năng lượng trong việc nghiền xỉ lò cao: 42 – 43 kWh/tấn, trong khi nghiền xi măng phụ gia với các vật liệu mềm hơn chỉ khoảng 28 kWh.
"Điều này cho thấy xỉ lò cao rất khó nghiền. Thậm chí, đối với loại xỉ làm nguội chậm còn không nghiền được", Ts. Mai Văn Thanh, chuyên gia vật liệu xây dựng cho biết.
Theo công bố của các nhà sản xuất, cùng một máy nghiền nhưng nếu mang ra để nghiền xỉ thì công suất suất giảm xuống còn 70 – 75%.
Một rào cản khác, theo ông Thanh, liên quan đến vấn đề "thẩm mỹ" của xi măng. Xưa nay, trong tâm trí người tiêu dùng luôn quan niệm xi măng phải có màu đen nhưng xi măng sử dụng xỉ lò cao lại có màu trắng.
Do đó, mặc dù xỉ lò cao được đánh giá là phụ gia tốt trong sản xuất xi măng nhưng lại chỉ được pha 10 – 15%. Nhiều nhà máy sử dụng thêm đá đen để tạo màu cho xi măng nhưng đây lại không phải là phụ gia tốt.
Để giải quyết bài toán trên, ông Nguyễn Quang Cung cho rằng chi phí nghiền xỉ cao hơn nghiền clinker và phụ gia, vì vậy cần có giá xỉ gang thép hợp lý thì việc sử dụng xỉ mới có hiệu quả.
Thy Lê