So với cùng kỳ tháng 6/2017, các hãng xe lắp ráp trong nước hiện đều giảm giá nhiều dòng xe. Có dòng xe giảm ở tất cả các bản ra mắt, nhưng cũng có hãng vì có doanh số bán tốt nên chủ yếu giảm giá các dòng xe cao cấp, khó bán để kích cầu.
Nhiều dòng xe giảm giá
Toyota là thương hiệu có nhiều mẫu_xe giảm giá_sâu nhất. Mẫu Vios, các bản số sàn và số tự động giảm 51 – 57 triệu đồng/chiếc; dòng Altis giảm từ hơn 44 – gần 70 triệu đồng/chiếc; dòng Inova giảm 40 – 50 triệu đồng/chiếc.
Giá các dòng xe lắp ráp của Hyundai Thành Công cũng theo đà giảm mạnh. Các mẫu xe tự động dung tích 1.0L và 1.2L có giá giảm lần lượt 10 – 20 triệu đồng; bản sedan Accent và Elantra giảm giá 20 – 40 triệu đồng. Trong khi đó, dòng Tucson có giá 828 triệu đồng, nhiều đại lý bán 755 triệu đồng, mức giảm 150 – hơn 160 triệu đồng.
Đặc biệt, các mẫu xe cao cấp, phân khúc C hoặc D của các hãng được giảm giá sâu so với cùng kỳ năm trước.
Giá bán Mazda 6 của Thaco đã giảm khoảng 100 – gần 150 triệu đồng tùy bản, như Mazda 6 2.L giảm 126 triệu đồng, Mazda 2.0L Premium giảm 100 triệu đồng, Mazda 2.5L Premium giảm 146 triệu đồng.
Dòng xe cao cấp của Toyota là Camry cũng giảm mạnh. Mẫu E của dòng này có giá bán 955 – 997 triệu đồng, mức giảm 101 – 130 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Bản cao cấp hơn Camry G có giá bán 1,161 tỷ đồng, giảm 75 triệu đồng so với giá bán trước đây.
Ngoài ra, các mẫu như CRV của Honda cũng giảm trung bình 37 – 107 triệu đồng/xe so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mẫu xe của Ford tuy có giảm nhưng không đáng kể, thậm chí các mẫu xe như Everest, Ranger hay Explorer đều không hề giảm giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 6/2018, ô tô nhập khẩu (NK) hưởng thuế 0% dù có cập cảng cũng chưa thể về các đại lý được.
Một đại diện Toyota Việt Nam cho biết, cuối tháng 6 sẽ có lô xe đầu tiên với khoảng 1.000 chiếc nhập về, nhưng để tới được khách hàng cũng phải cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Nguyên nhân còn phải chờ làm thủ tục NK và thời gian vận chuyển xe về đến các đại lý.
Từ trung tuần tháng 4 – 6/2018, giá nhiều mẫu xe đã giảm mạnh, có mẫu lên đến hơn 100 triệu đồng/chiếc |
"Ngóng" xe nhập khẩu
Tương tự Toyota, hàng loạt hãng xe lớn khác cũng đang "ngóng chờ" xe NK để bàn giao cho khách hàng.
Theo nguồn tin từ Ford Việt Nam, mẫu bán tải Ranger đã cập cảng, đang chờ làm thủ tục. Tuy nhiên, các đại lý của Ford Việt Nam ký hợp đồng với khách hàng chỉ cam kết giao xe trong tháng 7-8. Trong khi đó, những khách hàng muốn mua Honda CR-V bản 1.5L và 1.5G hiện cũng phải chờ đợi đến tháng 7-8 mới có xe giao…
Hiện tại, mới chỉ Honda và GM đưa xe NK hưởng thuế 0% về bán ra thị trường. Theo các doanh nghiệp, phải từ tháng 7 trở đi, số lượng xe nhập về nước mới tăng dần lên, trong đó có nhiều mẫu mới.
Vì vậy, những mẫu xe được ưa thích vẫn trong tình trạng thiếu hàng, người tiêu dùng phải chờ đợi.
Tuy nhiên, cũng có những phân tích cho thấy giá xe NK chưa thể giảm ngay, nhất là với những mẫu ăn khách, bởi cung không đáp ứng đủ cầu. Chẳng hạn như mẫu Toyota Fortuner, tháng 7 tới về Việt Nam cũng chỉ có khoảng gần 1.000 chiếc, quá ít so với nhu cầu đã bị "dồn nén" từ cuối năm 2017 đến nay. Trong khi đó, doanh số bán Fortuner của Toyota vào khoảng 14.000-15.000xe/năm, bình quân hơn 1.000 xe/tháng.
Khi đó, cho dù các doanh nghiệp NK có giảm giá bán, nhưng xe thiếu thì các đại lý cũng tự ý nâng giá lên bằng mọi cách.
Các doanh nghiệp phản ánh, quy định kiểm tra theo lô đang tác động tới xe NK. Việc kiểm tra, thử nghiệm từng lô xe NK vừa kéo dài thời gian, vừa gây tốn kém chi phí (nhất là thử nghiệm khí thải).
Hơn nữa, từ nay đến cuối năm, xe nhập về nhiều, sẽ khó tránh khỏi quá tải trong khâu kiểm tra chất lượng. Như vậy, thời gian chờ đợi còn kéo dài hơn và chi phí sẽ tốn kém hơn, chi phí tăng sẽ làm cho giá xe tăng theo. Không những thế, nhu cầu về ô tô vào dịp cuối năm thường tăng cao, nhu cầu tăng mà nguồn cung thiếu thì giá xe càng có cơ hội tăng.
Mặc dù vậy, thông tin xe NK hưởng thuế 0% sắp về nhiều đang gây tác động đến xe sản xuất lắp ráp trong nước. Áp lực khiến cho các DN sản xuất lắp ráp ô tô phải xây dựng giá bán hợp lý, tăng khuyến mãi, tăng chất lượng dịch vụ sau bán hàng để cạnh tranh.
Hồng Nhung