Đó là lời khuyên của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Quản lý và tăng cường chỉ số sức mạnh thương hiệu’’ ngày 28/12/2017.
Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc công ty Tư vấn Thương hiệu Mibrand, đại diện của Brand Finance, cho rằng thương hiệu là giá trị, là tiền của doanh nghiệp (DN), vậy nên cần phải tăng cường giá trị thương hiệu.
Sức mạnh thương hiệu Việt ở đâu?
Điều duy nhất các DN có thể làm tốt là tăng cường chỉ số về sức mạnh thương hiệu, vì các chỉ số khác như độ phát triển của thị trường, tài chính phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài như cạnh tranh, thị trường. Vì vậy, DN nên tập trung vào việc củng cố sức mạnh thương hiệu thông qua truyền thông, quảng cáo.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khảo sát cho thấy, các DN Việt Nam luôn chú trọng thúc đẩy doanh số bán hàng thông qua marketing nhiều hơn là thương hiệu. Trong khi thương hiệu là tài sản kinh doanh chủ chốt quyết định phí bảo hiểm, khả năng cạnh tranh và lợi nhuận cho cổ đông. Nó cũng là tài sản đáng giá nhất của công ty cần được chú trọng đầu tư.
Vậy làm sao để quản lý và tăng cường giá trị thương hiệu cũng như sức mạnh thương hiệu của DN.
Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương, cho biết bộ chỉ số thương hiệu có 3 phần, nhưng tại nhiều DN hiện nay, bộ phận marketing chỉ nhìn vào phần giữa thương hiệu, không nắm bắt được kết quả về tài chính mà thương hiệu đó đem lại. Một số người chỉ nhìn đầu vào, số người khác lại nhìn đầu ra.
“Chúng tôi thì cho rằng để củng cố sức mạnh thương hiệu, 3 yếu tố đầu vào, giữa và đầu ra cần hợp lại với nhau”, ông Samir nói.
Đáng chú ý, theo ông Samir, sức mạnh thương hiệu quan trọng không kém giá trị thương hiệu. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra sức mạnh thương hiệu liên quan mật thiết tới kết quả tài chính.
Ví dụ, trong điều kiện các yếu tố khác giữ nguyên, sức mạnh thương hiệu được cải thiện từ vài phần trăm, tác động của nó tới giá trị thương hiệu lên tới cả tỷ USD.
Tuy nhiên, để củng cố sức mạnh thương hiệu “không nhất thiết phải tăng cường chi phí truyền thông, mà quan trọng là truyền thông như thế nào”. Theo đó, vấn đề không phải tiêu bao nhiêu tiền vào xây dựng thương hiệu mà phải tiêu như thế nào.
![]() |
Xây dựng thương hiệu không chỉ là sân chơi của DN lớn mà các DN nhỏ cũng cần phải làm điều này
Xây xong phải giữ
Từ kinh nghiệm 30 năm xây dựng thương hiệu của DN mình, ông Huỳnh Văn Tẩn, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại, công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), chia sẻ với PNJ, thương hiệu tuy là tài sản vô hình nhưng quý giá nhất. Thương hiệu sẽ giúp mang sản phẩm, giá trị của DN đến với khách hàng và giữ niềm tin của khách hàng.
“Chúng tôi coi việc xây dựng thương hiệu quan trọng hơn các hoạt động như bán hàng, sản xuất. Nếu thương hiệu chiếm được lòng tin của khách hàng, DN sẽ phát triển bền vững”, ông Tẩn nói.
Quá trình xây dựng thương hiệu cần có chiến lược đúng đắn cả dài hạn và ngắn hạn. Đặc biệt, câu chuyện trong quá trình xây dựng thương hiệu phải chạm vào cảm xúc của khách hàng, cũng như phải chân thật.
Trả lời câu hỏi vì sao lâu nay chỉ có DN lớn mới chú ý làm thương hiệu, còn nhiều DN nhỏ đang bỏ ngỏ điều này, ông Tẩn chia sẻ, trước kia có thể việc xây dựng thương hiệu chỉ dành cho DN lớn vì cần nhiều tiền. Nhưng ngày nay làm thương hiệu không chỉ DN lớn, mà còn sân chơi của DN nhỏ.
“Hiện nay, mạng xã hội bùng nổ, đó là kênh hiệu quả để cho DN khai thác, xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn DN có thể quảng cáo thông qua mạng xã hội Facebook – chi phí ít tốn kém hơn. Nếu chúng ta có câu chuyện, ý tưởng, chiến lược đúng đắn, DN có thể dùng mạng xã hội để tạo uy tín, giá trị thương hiệu của DN”, ông Tẩn khuyến cáo.
Ông Tẩn cho rằng để thành công, những người làm thương hiệu phải có sự linh hoạt trong các chiến lược của mình. Đặc biệt, trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần khai thác triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để quảng cáo cho mình.
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Nam, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, chia sẻ xây dựng thương hiệu đôi khi bắt đầu từ việc đơn giản là tạo ra văn hóa riêng cho DN, định hướng cho toàn bộ cán bộ nhân viên – mỗi người là một sứ giả chia sẻ, chứng minh giới thiệu thương hiệu của DN tới khách hàng.
Quan trọng hơn, điều ông Nam băn khoăn nhất là khi đã có thương hiệu rồi, việc gìn giữ thương hiệu còn quan trọng hơn: “Giả sử có thương hiệu rồi, làm việc mà sơ suất, DN cần phải tìm cách xử lý để người tiêu dùng không mất lòng tin”.
Thy Lê