Tại phiên tòa xét xử vụ án sản xuất, buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng và đồng bọn mới đây, bị báo Trịnh Sướng thừa nhận việc pha, trộn xăng là sai. Tuy nhiên, vẫn khẳng định xăng này đạt chất lượng 90%. Trịnh Sướng cho biết trong quá trình kinh doanh xăng dầu đã tự học cách pha chế xăng giả. Xăng được pha trộn theo tỷ lệ 40% xăng nền và 60% là dung môi hóa chất, còn phụ màu ở chợ Kim Biên. "Tôi pha trộn là sai nhưng chất lượng xăng đạt 90%", Trịnh Sướng tự bào chữa cho hành vi phạm tội.
Buông lỏng đầu ra
Tuy nhiên, nếu thủ phạm nào kinh doanh xăng giả cũng bảo xăng pha chế không đúng cách nhưng vẫn đảm bảo chất lượng như lời Trịnh Sướng nói thì người tiêu dùng sẽ ra sao? Thời gian gần đây, nhiều vụ xăng giả được phát hiện với "chân rết" mở rộng ra hàng chục tỉnh thành.
![]() |
Nhiều vụ pha chế xăng dầu giả bị phát hiện trong thời gian qua. |
Mới đây, bắt đầu từ nguồn tin tố giác tội phạm, công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một số cây xăng trên địa bàn tỉnh có biểu hiện mua bán xăng giả kém chất lượng nên đã xác lập chuyên án 920-G để đấu tranh.
Mở rộng chuyên án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với hàng chục đối tượng, trong đó có Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ. Đây là hai đối tượng được xác định là những kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu xăng giả.
So với đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) bị khởi tố và bắt giữ năm 2019 thì đường dây buôn lậu và làm xăng giả mới bị công an Đồng Nai triệt phá có quy mô và mức độ còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Theo đó, chuyên án 920-G với 31 ngày phá án đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 40 đối tượng.
Theo đại diện một công ty kinh doanh xăng dầu lâu năm trong lĩnh vực xăng dầu phân tích, thông thường các đối tượng sản xuất, buôn bán xăng dầu giả nhập lậu xăng A83, mặt hàng đã bị Nhà nước cấm nhập. Sau đó những kẻ làm ăn bất chính sử dụng các loại dung môi, hóa chất để kích chỉ số octan lên thành xăng A95 rồi bán ra ngoài thị trường kiếm lời. Để tạo ra xăng A95 giả, bọn tội phạm thường pha dung môi với xăng A95 thật và chất tạo màu vàng rồi tung ra thị trường bán.
Thủ đoạn hối lộ tinh vi
Ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng việc để xăng dầu lậu, xăng dầu giả hoạt động lộng hành như thời gian qua một mặt do các đối tượng buôn lậu, sản xuất xăng dầu giả có thủ đoạn hết sức tinh vi. Mặt khác, có những cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn đó buông lỏng quản lý. Nhà nước tập trung quản lý, kiểm soát đầu vào (những nơi nhập khẩu xăng dầu, sản xuất bán ra) trong khi kiểm soát đầu vào chưa chặt. Có nhiều cơ quan quản lý đầu ra như quản lý thị trường, cơ quan đo lường chất lượng nhưng với 16.000 cửa hàng mà không áp dụng các biện pháp công nghệ thì rõ ràng khó kiểm soát tốt được.
Trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay phải tuân thủ rất nhiều quy định do nhiều cơ quan quản lý như Bộ Công an, Cảnh sát biển, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đây cũng là kẽ hở để hành vi kinh doanh xăng dầu giả lộng hành. Do vậy, tới đây cần có quy định nếu để xảy ra vi phạm ở lĩnh vực mình quản lý thì phải có cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm, để tránh xảy ra tình trạng "cha chung không ai khóc".
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương chịu trách nhiệm liên quan nhiều nhất về các quy định tại Nghị định 83, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về số lượng, trách nhiệm giám sát việc pha chế xăng dầu. Còn các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Đông, với chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương, thời gian qua, việc kinh doanh xăng dầu thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ được thi hành khá tốt, nhưng vẫn có một số thương nhân kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu, biểu hiện vi phạm Nghị định 83 khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Hay những quy định thuộc chức năng quản lý của bộ ngành khác về chất lượng.
Vấn nạn xăng giả cũng là thách thức đặt ra trong nhiệm kỳ mới của Tân Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Hy vọng, Tư lệnh ngành Công Thương sẽ có giải pháp ngăn chặt triệt để được tình trạng gian lận, lừa dối người dùng như trên.
Đáng chú ý, các vụ kinh doanh xăng dầu giả đều được một số thành phần "thoái hóa đạo đức" trong cơ quan chức năng tiếp tay. Đơn cử như vụ xăng dầu lậu ở Đồng Nai, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô, cho biết hoạt hối lộ rất tinh vi, không đưa trực tiếp mà quy định với nhau về những điểm giao tiền bí mật. Một người đưa một cục tiền hằng tháng đến và một người đến nhận hoặc là đưa những tài khoản khác nhau.
Thy Lê