Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Tp.HCM (CSID), lâu nay dư luận có nói "Việt Nam không thể sản xuất được ốc vít", nhưng đúng ra phải là "không thể sản xuất được ốc vít đạt được tiêu chuẩn cao".
Cơ hội bỏ ngỏ
Chẳng hạn, trong chiếc điện thoại thông minh (smartphone) có hàng trăm con ốc vít tiêu chuẩn cao. Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất những con ốc vít này, nhưng để cung ứng được cho nhà sản xuất điện thoại, các DN nội địa phải làm lại quy trình, kiểm soát được chất lượng.
Trao đổi với các DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Tp.HCM cuối tuần qua, bà Oanh cho biết phía CSID đang triển khai dự án Samsung Inovation nhằm hỗ trợ 3 tháng cải tiến năng suất và chất lượng tại nhà máy của DN Việt Nam được Samsung Việt Nam đánh giá tiềm năng.
Làm việc trực tiếp với Samsung được biết, công ty này sẽ phát triển thêm 50 nhà cung cấp nội địa ở Việt Nam đến năm 2020, chứ không phải như một số thông tin thiếu chính xác trước đó về việc họ sẽ đưa 200 nhà cung ứng nước ngoài vào Việt Nam.
"Việc phát triển 50 nhà cung ứng nội địa vừa là cơ hội vừa là thử thách cho các nhà cung ứng điện tử ở Việt Nam. Trên thực tế, DN nội địa rất khó trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung trong chuỗi cung ứng vì đòi hỏi phải có quy mô sản xuất hàng loạt. Thử nhìn lại các DN Việt có DN nào sản xuất hàng loạt nhiều chưa. Thực tế rất là khó!", bà Oanh nhấn mạnh.
Cho nên, nếu được lựa chọn, 50 DN Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung cấp của Samsung theo như cam kết. Để làm được điều này, CSID phối hợp với Bộ Công Thương và Samsung đang triển khai việc tiến cử các DN có tiềm năng được Samsung đánh giá.
Nếu DN có sản phẩm, mặt hàng phù hợp với yêu cầu của Samsung thì sẽ có 3 tháng cải tiến tại DN. Các chuyên gia dày dạn của hãng điện thoại này sẽ đến làm việc trực tiếp với DN. Các DN nhỏ hoàn toàn có thể tiếp cận hoạt động này mà không có sự giới hạn nào nếu như có đủ năng lực tham gia.
Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia, số DN thuộc lĩnh vực CNHT đã và đang cung cấp cho các DN FDI trong ngành điện tử như Samsung hay các "đại gia" khác tại Việt Nam như LG, Canon, Intel, Panasonic… thực tế không nhiều.
Như nhận định của ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), một phần do hạn chế nội tại của các DN nội địa, mặt khác do sự hiểu biết giữa hai phía còn hạn chế, vì vậy việc kết nối giữa các DN FDI với DN nội địa là hết sức cần thiết.
Để cung ứng ốc vít tiêu chuẩn cao, DN nội địa phải làm lại quy trình |
Bài toán công nghệ
Theo ông Long, xu hướng chuyển dịch và đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam trở thành xu thế chủ đạo của các nhà đầu tư những năm gần đây. Tăng trưởng đầu tư FDI tại Việt Nam trong lĩnh vực điện tử cũng đạt tỷ lệ cao nhất cả nước về tổng vốn đầu tư FDI trong vòng 5 năm trở lại đây.
Thế nhưng, có nhiều DN FDI lớn ngành điện tử khi vào Việt Nam thường kéo theo sự có mặt của hàng loạt công ty sản xuất linh phụ kiện.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng số DN hiện tham gia vào lĩnh vực CNHT là 661 DN, trong đó có đến 591 DN sản xuất linh kiện điện tử, 56 DN sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi, 14 DN sản xuất băng, đĩa từ và quang học.
Được biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử với sự ảnh hưởng của các DN FDI đang dẫn đầu trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong vòng 5 năm qua, số lượng DN điện tử tăng gấp 2 lần và đạt 1.237 DN vào năm ngoái.
Giới chuyên gia nhận định các DN điện tử FDI phải nhập khẩu linh kiện, trong khi các DN trong nước vẫn chỉ thực hiện việc cung ứng các phần bao bì đơn giản như vỏ hộp carton và các chi tiết trong đóng gói hàng hóa.
Một chủ DN nội địa là nhà cung ứng cho Samsung chia sẻ rằng một trong những điều kiện đầu tiên để có thể trở thành nhà cung ứng cho Samsung là năng lực công nghệ của DN phải phù hợp với tiêu chuẩn của Samsung không chỉ ở chất lượng sản phẩm mà cả ở quy trình sản xuất. DN phải đáp ứng được quy trình sản suất "just-in-time" của Samsung bằng việc đảm bảo giao hàng 2 giờ/lần.
Trong khi đó, phía lãnh đạo Samsung Việt Nam vẫn cho rằng chuỗi cung ứng không phân biệt DN Việt Nam hay FDI, mà lựa chọn trên lợi thế cạnh tranh, đáp ứng đúng tiêu chuẩn. Để duy trì được trong chuỗi, DN cung ứng phải liên tục đổi mới công nghệ và hoàn thiện quy trình sản xuất.
Tuy nhiên, DN trong chuỗi cũng được hưởng hỗ trợ của Samsung về chuyển giao công nghệ, thay đổi mô hình quản lý hiệu quả, chất lượng nhân sự.
Vấn đề là việc tự thực hiện đổi mới công nghệ dường như không phải là một bài toán dễ dàng đối với đa số các DN trong nước, cho dù cánh cửa cơ hội cho việc tham gia vào các chuỗi cung ứng vẫn rộng mở.
Thế Vinh