Mới ra mắt đầu năm nay, nhưng chuỗi cửa hàng thời trang gia đình AVAFashion của "đại gia" ngành bán lẻ Thế Giới Di Động đã phải dừng hoạt động. Theo đó, trang web bán hàng ngưng hoạt động kể từ ngày 29/6.
Sớm "tan giấc mộng vàng"
Hồi đầu tháng 1/2022, Thế Giới Di Động đã chính thức ra mắt 5 chuỗi cửa hàng thuộc nhóm AVA bao gồm: AVAFashion (thời trang gia đình), AVAsport (đồ thể thao), AVAKids (mẹ và bé), AVAJi (trang sức) và AVACycle (bán xe đạp - dưới hình thức shop in shop tại hệ thống Điện Máy Xanh).
Chuỗi cửa hàng AVAFashion khi mới ra mắt. |
Việc ra mắt 5 chuỗi cửa hàng là một phần trong chiến lược mở rộng được ban lãnh đạo Thế Giới Di Động thông qua vào cuối năm 2021 nhằm giữ thị phần, gia tăng cạnh tranh đa ngành, khẳng định vị trí nhà bán lẻ số 1 Việt Nam. Ông Đào Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã đề cập đến khả năng mở rộng kinh doanh sang các mặt hàng như quần áo, đồ thể thao, các sản phẩm chăm sóc trẻ em… như một phần trong kế hoạch gia tăng doanh thu và lợi nhuận kinh doanh của tập đoàn trong năm 2022.
Tại thời điểm ra mắt, AVAFashion có 4 cửa hàng chính ở các cung đường sầm uất trên địa bàn TP.HCM: đường Võ Văn Ngân (TP.Thủ Đức), đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), đường Nguyễn Trãi (quận 5), đường Phan Văn Trị (Trung tâm thương mại Emart2, quận Gò Vấp).
AVAFashion bao gồm các sản phẩm quần áo nam nữ, trẻ em… với đa dạng kiểu dáng từ áo T-shirt, quần Jeans, kaki, váy đầm, đồ công sở… đến các sản phẩm phụ kiện như vớ, khẩu trang, dây nịt, mũ nón… và thời trang trẻ em.
Theo lời giới thiệu của doanh nghiệp, các sản phẩm của AVAFashion đều được may tại những xưởng may lớn, được biết đến với sản phẩm chất lượng, gia công cho các nhãn hàng nổi tiếng như H&M, Uniqlo cũng như xuất khẩu qua châu Âu.
Tuy nhiên, "tân binh" AVAFashion của Thế Giới Di Động phải "chóng vánh" rút khỏi "cuộc chơi" thời trang gia đình, trong khi các nhãn hàng nước ngoài như H&M, Zara... vẫn đang ngày càng mở rộng "chân rết" tại thị trường Việt Nam.
Ở một góc nhìn liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, chia sẻ thị trường nội địa tiếp cận dễ nhưng sức mua vẫn chưa trở lại như trước dịch, chưa kể tâm lý người tiêu dùng giờ sử dụng lại đồ cũ nhiều hơn là mua mới. Vì vậy, dù có kinh nghiệm chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, song việc mở rộng thị phần, mở thêm cửa hàng bán lẻ thời trang ở thị trường nội địa vẫn là bài toán khó với Việt Thắng Jean.
Không dễ chinh phục thị trường nội địa
Ông Việt chỉ ra những khó khăn khi thâm nhập thị trường may mặc nội địa là yếu tố mặt bằng, chính sách bảo vệ thương hiệu, sản phẩm chưa bắt kịp xu hướng thời trang và dịch vụ bán hàng của doanh nghiệp Việt còn truyền thống.
"Dịch vụ mà tôi muốn đề cập ở đây không chỉ nằm ở ứng dụng bán hàng, mà còn nằm ở cung cách phục vụ khách hàng của nhân viên. Muốn thành công doanh nghiệp phải đào tạo ra những nhân viên bán hàng là đại sứ thương hiệu cho chính mình", ông Việt chia sẻ.
Trong khi nhiều thương hiệu thời trang Việt vẫn bế tắc trong việc tiếp cận người tiêu dùng Việt thì các nhãn hiệu nước ngoài như H&M hay Zara vẫn đang thu hút được một lượng khách hàng đông đảo là giới trẻ.
Vào thị trường Việt Nam từ năm 2017, H&M đang từng bước nối dài thêm hệ thống phân phối tại Việt Nam với con số hiện tại hơn 10 cửa hàng. Đại diện H&M Việt Nam từng đánh giá đây là một thị trường đang trên đà phát triển và có tiềm năng cao trong ngành thời trang.
"Với nhiều trung tâm thương mại mới ra đời trong những năm gần đây tạo điều kiện cho những doanh nghiệp bán lẻ có thể vươn lên và phát triển. Bên cạnh đó, các bạn trẻ Việt Nam ngày càng chứng tỏ phong cách ăn mặc của mình nên rất nhanh chóng cập nhật những xu hướng thời trang trên thế giới. Những yếu tố này đã đưa Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho bất cứ doanh nghiệp hay nhãn hàng quốc tế nào muốn gia nhập", đại diện H&M chia sẻ.
Để thành công, H&M cho rằng việc tập trung vào các giá trị nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với công ty khi mở rộng thị trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ để tối ưu trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia về thương mại, ở phân khúc trung bình, thời gian qua có không ít doanh nghiệp Việt Nam đặt chân vào nhưng đây cũng là mảng gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các thương hiệu thời trang ngoại đến từ khu vực như Thái Lan, Malaysia hay các hãng thời gian thế giới như H&M, Zara, Uniqlo…
Để chinh phục được thị trường Việt Nam, ông Thắng cho rằng các doanh nghiệp phải nhắm tới đối tượng khách hàng theo từng độ tuổi, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thành thị hay nông thôn. Đặc biệt các doanh nghiệp phải thay đổi cung cách phục vụ người Việt. Giá cả tương xứng với khả năng chi trả cho người tiêu dùng trong nước, chứ như hiện nay nhiều khi "xài" quần áo do Việt Nam sản xuất còn đắt hơn dùng hàng ngoại. Thực tế cho thấy về vấn đề này, các doanh nghiệp may mặc nước ngoài đang biết kinh doanh hơn doanh nghiệp Việt. Đây cũng là vấn đề để các "tân binh" muốn lấn sân sang mảng thời trang cần chú ý để tránh phải dừng "cuộc chơi" quá sớm.
Thy Lê