Tính từ đầu tháng 7 đến chốt phiên giao dịch ngày 15/7, chỉ trong vòng nửa tháng, vốn hoá của Thế Giới Di Động đã “bay” khoảng 14,6 nghìn tỷ đồng, xuống chỉ còn 90 nghìn tỷ đồng (-14%). Như vậy, vốn hoá của doanh nghiệp này đã xuống mức thấp nhất gần 1 năm qua.
Khối ngoại “dứt tình”, cổ phiếu đi xuống
Đáng buồn, vốn hoá của “ông lớn” ngành bán lẻ giảm trong khi chỉ số VN-Index nửa tháng qua chỉ giảm chưa tới 2%. Theo quan sát của VnBusiness, tính từ phiên 6/6 đến chốt phiên ngày 15/7, cổ phiếu MWG đã giảm từ 154.700 đồng/cp xuống 61.500 đồng/cp, tương đương giảm hơn 60% chỉ trong vòng 5 tuần. Còn nếu tính từ mức đỉnh 160.200 đồng/cp (phiên 15/4), cổ phiếu này đã giảm gần 62%.
Đáng chú ý, ngay từ đầu tháng 6 đến nay, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mà ngay cả các tổ chức nước ngoài cũng liên tục “quay xe” bán ròng cổ phiếu MWG.
Trong vòng nửa tháng, vốn hoá của Thế Giới Di Động đã “bay” khoảng 14,6 nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Int) |
Chẳng hạn, trong phiên 4/7, trên sàn HoSE, khối ngoại đã bán ròng mạnh nhất cổ phiếu MWG với 81 tỷ đồng và kéo dài 2 phiên liên tiếp sau đó. Tính từ đầu tháng 6 đến ngày 12/7, MWG bị bán ròng tổng cộng 4,41 triệu cổ phiếu thông qua khớp lệnh, trị giá 324 tỷ đồng.
Cùng với đó, các tổ chức nước ngoài như Dragon Capital cũng hạ lượng nắm giữ cổ phiếu MWG từ 74,1 triệu cổ phần (10,13%) còn 71,3 triệu cổ phần (9,98%) sau khi 3 quỹ thành viên thoái tổng cộng gần 1,1 triệu đơn vị MWG trong ngày 17/6 vừa qua.
Cũng chính vì bị bán ròng khá mạnh nhiều phiên liên tiếp, hiện tại room ngoại của MWG đã “vắng” gần 4,6 triệu đơn vị. Trước đây, room ngoại của MWG thường xuyên đầy ắp và chỉ hở ra do các hoạt động ESOP, sau đó nhanh chóng được khoả lấp chỗ trống. Đơn cử, phiên ngày 13/4, nhà đầu tư nước ngoài đã không tiếc tay khi bỏ ra 1.500 tỷ đồng để lấp đầy 9,4 triệu đơn vị do việc phát hành ESOP để lại.
Ngược thời gian, MWG từng là một trong những cổ phiếu khiến nhà đầu tư nước ngoài phải chấp nhận trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường, thậm chí lên đến hàng chục phần trăm so với thị giá để có thể sở hữu cổ phiếu “hàng hiệu” này.
Các quỹ ngoại lớn như Dragon Capital, Pyn Elite Fund tiết lộ, mức premium đối với MWG thường trong khoảng 40% đến 50% so với thị giá.
Do đó, việc cổ phiếu này trống một lượng cổ phiếu lớn khiến giới đầu tư vô cùng bất ngờ, trong khi đó, cổ phiếu MWG đã giảm khá sâu từ mức đỉnh.
Tình hình kinh doanh là dấu hỏi
Có thể thấy, cổ phiếu MWG đã có mức tăng khá mạnh vào thời gian trước đó, nên nhà đầu tư nắm giữ từ lâu có thể đã có những động thái chốt lời thời gian qua, khiến giá cổ phiếu đi xuống là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, là cổ phiếu chiếm tỷ trọng hàng đầu trong chỉ số VNDiamond (khoảng 16%) nên khi dòng vốn vào Diamond ETF thông qua sản phẩm DR – Depositary Receipt tại Thái Lan đang có dấu hiệu chững lại cũng gây ảnh hưởng đến diễn biến cổ phiếu, bởi đây chính là dòng vốn từng giúp cổ phiếu này vượt qua giai đoạn thị trường đầy giông bão thời gian qua.
Ngoài ra, tình hình kinh doanh của Thế giới di động đang được đánh giá là “kém sắc” cũng gây ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong việc quản trị danh mục cổ phiếu.
Cụ thể, luỹ kế 5 tháng đầu năm, ảnh hưởng của lạm phát dẫn tới tăng chi phí hàng hóa đầu vào và tăng chi phí vận hành, khiến biên lợi nhuận ròng doanh nghiệp suy giảm, chỉ đạt 3,7%, thấp hơn so với con số 4,2% của 5 tháng đầu 2021. Đồng thời, con số này cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bắt đầu có dấu hiệu chậm lại.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh chính của công ty tiếp tục âm khi trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 3.383,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.625 tỷ đồng.
Theo báo cáo của FiinTrade, lợi nhuận ước tính quý II/2022 của các doanh nghiệp bán lẻ sẽ đi xuống bởi sức mua các sản phẩm điện tử (đặc biệt là laptop) sụt giảm và các doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ như Thế giới di động cũng khó tránh khỏi.
Mặc dù FiinTrade chưa có ước tính kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp này, song một vài động thái gần đây của doanh nghiệp cho thấy tình hình kinh doanh sắp tới khó có thể rực rỡ như thời điểm đầu năm.
Chẳng hạn, trong hơn 2 tháng qua, Bách Hoá Xanh – công ty thuộc Thế giới Di động đã đóng cửa gần 170 điểm bán. Điều này dấy lên nghi vấn Bách Hoá Xanh phải thu hẹp hoạt động trong bối cảnh khó khăn, thậm chí sắp bị "đóng cửa", khi trước đó chuỗi này từng bị “tố” tăng giá sản phẩm giữa mùa dịch, gây “mất điểm” trong mắt người tiêu dùng.
Trước nghi vấn Bách Hoá Xanh bị “đóng cửa”, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài xác nhận, một số cửa hàng Bách Hóa Xanh hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng một số tiêu chí về kinh doanh nên phải đóng cửa và “trấn an”: “Bách Hóa Xanh đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên phải sắp xếp lại hệ thống cửa hàng. Sắp tới, Bách Hóa Xanh sẽ trở lại với diện mạo mới và mở rộng hơn nữa, mở cái nào là thắng cái đó".
Tuy nhiên, ngay sau đó lại “rò rỉ” thông tin, Thế giới di động đã đóng cửa hệ thống AVAFashion sau nửa năm hoạt động, khi ngày 29/6 vừa qua, website AVAFashion.com của chuỗi AVAFahion đã chính thức ngưng hoạt động.
Nhìn chung, vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá về tình hình kinh doanh sắp tới của Thế giới di động, nhưng dự báo nửa cuối năm 2022, ngành bán lẻ sẽ gặp khó khi lạm phát tiếp tục tăng cao, nhu cầu về các mặt hàng không thiết yếu dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống, ảnh hưởng đến doanh số của các doanh nghiệp bán lẻ.
Trong khi đó, ngành bán lẻ trong nước vẫn đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt giữa các “ông lớn”, nhất là khi những tập đoàn bán lẻ nước ngoài vẫn đang tỏ rõ tham vọng với thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Đây cũng chính là thách thức lớn cho ngành bán lẻ nói chung, Thế giới di động nói riêng trong việc duy trì doanh thu.
Hải Giang