Theo số liệu mới công bố từ Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 7,3% so với năm 2015, thấp hơn so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2015.
Tăng trưởng thấp do giảm khai khoáng?
Bộ Công Thương đánh giá nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng tiếp tục giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; tồn kho ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước (thấp hơn 2,4%). Tiêu thụ của ngành thấp hơn so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến sản xuất tăng trưởng không cao.
Có thể điểm danh một số ngành có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ: khai thác than cứng và than non tăng 2,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 3%; sản xuất thuốc lá tăng 1,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 2,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 2,2%.
Một số sản phẩm tăng trưởng thấp, hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, như: xăng dầu các loại giảm 2,9%; điện thoại di động giảm 10%; phân urê tăng 1%; giầy, dép da tăng 2,4%;...
Ngoài ra, cũng cần kể thêm một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng thấp, hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, như: sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy chỉ tăng 4,4%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 0,2%.
Hơn nữa, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ năm 2015, như: sản xuất xe có động cơ tăng 61,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 60,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,9%...
Tình trạng tăng trưởng sản xuất công nghiệp vẫn thấp có thể nhìn từ trường hợp điển hình của sản xuất phân bón. Theo Bộ Công Thương, thị trường phân bón trong nước thời gian gần đây diễn biến ở mức thấp. Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại một số khu vực đang ảnh hưởng rất lớn đến thị trường phân bón và sản xuất nông nghiệp trong nước nói chung.
Trong khi đó, thời gian này, giá phân bón thế giới lại liên tục ở mức thấp, lượng hàng tồn kho tại các vùng còn khá lớn, khiến giá phân bón khó có thể tăng trong thời gian tới.
Nhìn vào những số liệu trên, không ít chuyên gia kinh tế cho rằng với tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp như vậy, năm 2016 sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là năng lực cạnh tranh chậm được nâng cao. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự khó khăn trong sản xuất công nghiệp đang dần bộc lộ.
Vì vậy, Bộ Công Thương cần tập trung quan tâm, để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho từng phân ngành, vào các lĩnh vực cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp.
![]() |
Thực lực công nghiệp của Việt Nam đang ở mức rất thấp
Cần đánh giá lại thực trạng
Trên thực tế, theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp vẫn còn chậm và chưa bền vững. Giá trị gia tăng của sản phẩm ở một số ngành công nghiệp vẫn chậm, khả năng cạnh tranh hạn chế. Sản xuất công nghiệp chưa tham gia sâu, rộng vào mảng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 13%, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ.
Tại Diễn đàn Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hồi tháng 4/2016, Gs.Ts Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) đã cảnh báo thực lực công nghiệp của Việt Nam đang ở mức rất thấp, trong khi Việt Nam đang bước vào sân chơi hội nhập ở đẳng cấp rất cao.
Và ông nhấn mạnh nền công nghiệp Việt Nam không thể đứng mãi ở vị trí thấp đó. Nhà nước cần tạo nhiều điều kiện vĩ mô thuận lợi để các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển công nghiệp.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với giới DN vừa qua, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch công ty CP Ôtô Trường Hải, cũng góp ý là Chính phủ cần đánh giá lại một cách tổng quát và chi tiết thực trạng các ngành công nghiệp.
Theo ông Dương, đối với những ngành công nghiệp tạo động lực phát triển cho các ngành công nghiệp khác và các ngành công nghiệp mũi nhọn thì cần có chính sách bảo vệ thị trường phù hợp với cam kết hội nhập.
Dành sự quan tâm lớn đến nền sản xuất công nghiệp Việt Nam trước hội nhập, trong báo cáo mới đây, Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết đang triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ cho chiến lược công nghiệp hóa tại Việt Nam.
Đặc biệt, để hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất lao động cho các ngành công nghiệp Việt Nam, JICA đã tiến hành một loạt các hoạt động hỗ trợ, như đào tạo nhân lực công nghiệp, kiểm tra kỹ năng công nghiệp; phái cử chuyên gia giàu kinh nghiệm trong cải tiến kỹ thuật nhằm áp dụng 5S tại các nhà máy thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, cơ quan này còn hỗ trợ xây dựng văn bản pháp luật theo “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
Hiện nay, JICA cũng đang thực hiện một nghiên cứu với Bộ Công Thương để hỗ trợ việc thực thi chính sách trong ngành sản xuất linh kiện ôtô, 1 trong 6 lĩnh vực chiến lược công nghiệp hóa theo Thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam - Nhật Bản
Thế Vinh