Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp 6 tháng năm 2022 ước đạt 10,5 triệu tấn tương đương so với 6 tháng đầu năm 2021; trong đó thức ăn cho lợn (chiếm khoảng 55% tổng sản lượng) tăng khoảng 13,2%, cho gia cầm (chiếm 40%) giảm khoảng 8,6%, loại khác (chiếm 5%) giảm khoảng 12,5%.
Riêng 6 tháng đầu năm nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 6 lần, vượt quá sức của hộ chăn nuôi. |
Do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021.
Nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá là do nông sản thế giới đã được thiết lập mặt bằng giá mới, dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (giảm nguồn cung, thiếu phương tiện vận chuyển); Mỹ là một trong những nước có sản lượng ngô lớn đã tăng sản xuất cồn sinh học (Ethanol) từ ngô, làm giảm lượng ngô xuất khẩu. Đặc biệt giá xăng dầu tăng trong tháng 02/2022 vừa qua cũng đẩy giá ngô tăng cao...
Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cũng cho biết bắt đầu từ cuối tháng 5/2022, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm nhẹ. Hiện nay, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đồng/kg (giảm 5,5%); khô dầu đậu tương 14.050 đồng/kg (giảm 0.4%); DDGS 10.500 đồng/kg (tương đương); cám gạo chiết ly 5.550 đồng/kg (giảm 0,3%).
Dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu chính có thể giảm (nhưng không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, điều này cũng ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi).
Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm nhưng thời gian gần đây giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh theo xu hướng tăng. Cục Chăn nuôi lý giải là do một số doanh nghiệp chưa tăng giá trong tháng 5, 6/2022 phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó.
Cụ thể, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 13.000 đồng/kg (tăng 0,3%); thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt 13.350 đồng/kg (tăng 1,1%) và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 13.800 đồng/kg (tăng 1,4%).
Ghi nhận trên thị trường, lần gần đây nhất là từ ngày 1/7, nhiều doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi. Đây là lần thứ 6 trong năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng.
Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz và Công ty TNHH CJ Vina Agri thông báo, kể từ ngày 1/7, hai đơn vị này sẽ tăng giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi từ 300-400 đồng/kg (tùy loại).
Ngoài hai đơn vị trên, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác cũng đã gửi thông báo tăng giá đến các đại lý. Lý do được các công ty đưa ra là tình hình giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng đều trong thời gian vừa qua.
Theo đó, từ ngày 6/7/2022, Công ty TNHH Emivest Feedmill điều chỉnh tăng giá cám thêm 400 đồng/kg đối với thức ăn đậm đặc và thức ăn cho lợn con; tăng 300 đồng/kg đối với tất cả các sản phẩm còn lại.
Công ty GreenFeed tăng 400 đồng/kg đối với cám cho vịt và các mã sản phẩm cám lợn thịt; Nhóm thức ăn đậm đặc cho lợn và gia cầm cũng tăng 400 đồng/kg. Doanh nghiệp cũng tăng giá 300 đồng/kg đối với tất cả các sản phẩm còn lại.
Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai cũng đã tăng giá 400 đồng đối với dòng sản phẩm dành cho lợn con, tăng 300 đồng/kg đối với các sản phẩm cám còn lại.
Như vậy, giá thức ăn chăn nuôi (cám) tăng liên tiếp 16 lần kể từ tháng 11/2020, đẩy giá mặt hàng này lên mức cao kỷ lục. Riêng 6 tháng đầu năm nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 6 lần, vượt quá sức chịu của hộ chăn nuôi.
N.Linh