Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, nửa đầu tháng 4/2022, mức cầu tăng nhẹ trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19 nhưng giá đường vẫn chưa cải thiện là bao khi các nguồn cung vẫn dồi dào.
Tháng 5, dự báo giá đường tiếp tục ở mức thấp
Trong khi đó, ở thị trường thế giới, theo thông tin từ tổ chức ISO, giá đường thô giao ngay (tính theo giá hàng ngày của ISA) đạt trung bình trong tháng 4/2022 là 19.64 cents/1b tăng so với tháng 3/2022 là 19.05 cents/1b và là mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Chỉ số giá đường trắng ISO tháng 4/2022 cũng tăng đến mức 537.97 USD/tấn so với mức 528.43 USD/tấn của tháng 3/2022 và cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm gần đây.
Giá đường tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận. |
Ở thị trường Việt Nam, theo tìm hiểu, từ nửa cuối tháng 4/2022, đường nhập lậu và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN tràn ngập và hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường với ưu thế giá rẻ hơn giá thành đường từ mía khiến cho đường sản xuất từ mía không thể tiêu thụ. Đặc biệt trong tháng 4/2022 so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước ASEAN, Trung Quốc, giá đường Việt Nam thấp hơn hẳn.
Theo bảng so sánh giá đường trên thị trường nội địa các nước lân cận (quy đổi VNĐ), ngày 26/4/2022, giá đường Indonesia là 21.789 đồng/kg, đường Philippines: 20.605 đồng/kg, đường Trung Quốc: 21.380 đồng/kg. Trong khi đó, đường Việt Nam bán với giá 18.066 đồng/kg.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2022 nguồn cung từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường Việt Nam thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam đang tràn vào như "nước vỡ bờ", cộng với đường từ vụ ép 2021/2022 và cả đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu.
Như vậy, các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên sẽ không có hiện tượng thiếu hụt đường trong tháng 5/2022 và các tháng kế tiếp và ưu thế thị trường trong nước vẫn thuộc về các loại đường và chất ngọt có nguồn gốc nhập khẩu.
"Giá đường trong nước sẽ có diễn biến gắn với giá đường thế giới. Tuy nhiên, giá đường tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía lân cận (Trung Quốc, Indonesia, Philippines)", Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá.
Sau khi bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam đã liên tục giảm, song dữ liệu thống kê lại cho thấy hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường tăng đột biến từ 5 nước ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar).
Dữ liệu trong quý I/2022 cho thấy, hiện tượng bất thường khi nhập khẩu đường tăng bột biến từ (mức tăng từ 187.251 tấn lên 391.468 tấn, tức tăng 209%) từ các nước có trình độ sản xuất tương đương hoặc thấp hơn vào Việt Nam. Điều này khiến cho thị trường đường trong nước tiếp tục hoàn cảnh thừa cung và đẩy giá đường xuống dưới mức giá thành sản xuất của đường từ mía và khiến đường các nhà máy không bán được phải tồn kho.
Bàn cách cạnh tranh
Tuy vậy, ngoài những nguyên nhân trên, việc đường Việt Nam khó cạnh tranh được với đường các nước trong khu vực cũng không thể phủ nhận một thực tế là năng lực cạnh tranh còn khiêm tốn.
Chi phí trong nhà máy để sản xuất 1 tấn đường trắng của Việt Nam và một số nước trong khu vực, giai đoạn 2014/15 - 2018/19 (USD/tấn). |
Báo cáo về chuỗi cung ứng ngành mía đường Việt Nam của Forest Trends cho thấy, Việt Nam có mức chi phí sản xuất 1 tấn đường cao hơn Philippines và Thái Lan, nhưng thấp hơn so với Indonesia và Trung Quốc. Cụ thể, trong giai đoạn 2014/15 - 2018/19 (2 vụ), tổng chi phí sản xuất 1 tấn đường trắng ở Việt Nam cao hơn Philippines từ 43,3 - 105,6 USD, cao hơn Thái Lan từ 116,4 - 241,6 USD; nhưng thấp hơn Indonesia trung bình từ 17,8 - 121,4 USD và thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc từ 331,8 - 511,7 USD.
Xét riêng về chi phí sản xuất mía nguyên liệu, tức chi phí trên đồng ruộng, Việt Nam cao hơn Thái Lan từ 20,2 - 115,4 USD/tấn đường trắng tùy vùng, nhưng thấp hơn Philippines từ 11,9 - 29,8 USD/tấn (trừ vụ 2014/15 cao hơn 10,6 USD/tấn), gần tương đương với Indonesia ở khu vực tư nhân, nhưng thấp hơn Indonesia tính chung cả nước từ 16,5 - 72,1 USD/tấn (trừ vụ 2014/15 cao hơn 4,3 USD/tấn) và Indonesia ở khu vực Nhà nước từ 27,1 - 119,2 USD/tấn và thấp hơn Trung Quốc 212,6 - 331,9 USD/tấn.
Trong khi đó, chi phí chế biến đường, tức chi phí trong nhà máy ở Việt Nam sản xuất 1 tấn đường trắng hiện cao hơn so với Philippines từ 68,4 - 1000,2 USD/tấn, cao hơn Thái Lan từ 36,8 - 94,9 USD/tấn, thấp hơn Indonesia từ 18,9 - 36,3 USD/tấn và thấp hơn Trung Quốc từ 75,7 - 110,3 USD/tấn.
Tương tự như chi phí trên đồng ruộng và trong nhà máy, chi phí quản lý trong tổng chi phí sản xuất 1 tấn đường trắng ở Việt Nam cao hơn Philippines và Thái Lan, tương đương với Indonesia ở khu vực tư nhân, nhưng thấp hơn Indonesia ở khu vực Nhà nước và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc
Như vậy, những số liệu ở trên cho thấy so với các nước trong khu vực ASEAN và Trung Quốc, ngành mía đường Việt Nam có trình độ thấp hơn Thái Lan, gần bằng Philippines và Indonesia ở khu vực tư nhân, nhưng cao hơn so với Indonesia ở khu vực Nhà nước và cao hơn Trung Quốc. Điều này cho thấy, năng lực sản xuất mía đường ở Việt Nam vẫn cần cải thiện hơn nữa ở tất cả các khâu từ đồng ruộng đến nhà máy, đặc biệt là khâu chế biến đường và khâu quản lý sản xuất mía đường, để tiết giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Nhấn mạnh tới câu chuyện thiếu bền vững của chuỗi giá trị ngành mía đường, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đánh giá ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn trước tác động của hội nhập, với đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan. Giá mía đường Việt Nam thấp hơn Philippines, Thái Lan, rồi lại chịu sự cạnh tranh với đường nhập lậu.
"Các doanh nghiệp, hiệp hội nên ngồi lại và có kiến nghị với Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát đường nhập lậu bởi doanh nghiệp chết, người nông dân cũng chết", ông Thắng khuyến nghị.
Tuy nhiên, ông Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng ngành mía đường khó nhưng không phải đã hết cửa, còn nhiều cơ hội để cạnh tranh, thậm chí vượt lên Thái Lan như ngành lúa gạo của Việt Nam đã làm được. Muốn vậy, nông dân Việt Nam cần phải tham gia vào các hiệp hội, hợp tác xã... Vậy nên, cần rà soát lại vùng mía đường của mình, vùng nào hiệu quả cần thúc đẩy, giờ có chính sách hỗ trợ HTX rất mạnh, khuyến khích hộ trồng mía tham gia HTX, ứng dụng được cơ giới hóa.
"Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đa giá trị, ngành mía đường không chỉ làm đường mà còn có thể nhiều sản phẩm khác, đẩy mạnh sản xuất trên quy mô lớn thông qua việc phát triển các HTX", ông Thế Anh khuyến nghị.
Thy Lê