Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cảnh báo: “Sản lượng vải thiều năm 2017 dự báo giảm, người trồng vải kỳ vọng giá sẽ tăng. Tuy nhiên vải thiều có thời gian thu hoạch ngắn, vào chính vụ lượng vải bán ra rất lớn, nếu không điều tiết thị trường tốt, nguy cơ “mất giá” vẫn rất cao”.
Dự báo năm 2017, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 100.000 tấn, giảm gần 30% so với năm 2016 (đạt trên 142,3 nghìn tấn, doanh thu từ vải và các hoạt động phụ trợ đạt 5.000 tỷ đồng). Trong đó, vải thiều VietGAP đạt trên 40.000 tấn, vải GlobalGAP đạt 1.600 tấn.
Nắm chắc thị trường truyền thống
Theo UBND huyện Lục Ngạn, năm 2016, “thủ phủ” vải thiều xuất khẩu trên 48.000 tấn, với tổng kim ngạch 60 triệu USD (xấp xỉ 1.300 tỷ đồng). Năm 2017 tuy tiếp tục là một năm “sôi động” trong hoạt động xuất khẩu nhưng thị trường trong nước vẫn là đầu ra quan trọng nhất của quả vải.
Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn, chia sẻ: “Trên 50% lượng vải thiều hàng năm được tiêu thụ nội địa. Vì vậy, sự quan tâm, ủng hộ của người tiêu dùng trong nước vẫn đóng vai trò quyết định thắng lợi của bà con trồng vải Điều cần làm là phát huy tối đa tiềm năng của thị trường trong nước”.
Rõ ràng, với hơn 90 triệu người dân, “sân nhà” vẫn là thị trường chủ lực của quả vải. Hiện tại, vải thiều tiêu chuẩn VietGAP đã và đang được kết nối tiêu thụ trong các siêu thị lớn như Co.opmart, Metro, Happro, BigC, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ tại những chợ đầu mối hoa quả ở Hà Nội, Tp.HCM và mở những kênh phân phối mới tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Tuy nhiên, để tối ưu tiềm năng của thị trường nội địa, Lục Ngạn cần chú trọng hơn trong việc xây dựng thương hiệu cho quả vải. Thực tế, ngay tại thị trường trong nước, quả vải Lục Ngạn vẫn chưa có một “cái tên” đủ mạnh để người tiêu dùng nhận diện, dẫn đến nhiều loại vải kém chất lượng “đội lốt” vải Lục Ngạn thả sức hoành hành, gây mất uy tín, giảm sức cạnh tranh.
Cùng với “sân nhà”, thị trường Trung Quốc, dù tiềm ẩn nhiều rủi ro, vẫn là thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Việt Nam. Theo người trồng vải, nhiều năm qua, giá bán vải thiều thường “tỷ lệ thuận” với số lượng thương lái Trung Quốc.
Anh Nguyễn Minh Hải (thôn Kép 2A, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) chia sẻ: “Thương lái Trung Quốc càng đông, vải càng được giá. Vải thường phân loại thành hàng sấy, hàng hoa, hàng Trung Quốc, hàng Lào Cai… Trong đó, hàng Trung Quốc giá không cao nhất nhưng luôn được giá và chiếm số lượng lớn nhất”.
“Như năm ngoái, những vườn giữ tới cuối vụ “thua đậm” vì thương lái Trung Quốc bất ngờ rút quân sớm, giá vải tuột dốc từ hơn 20.000 đồng/kg xuống còn 10.000 – 12.000 đồng/kg”, anh Hải tiếp tục.
Đánh giá về thị trường Trung Quốc, ông Bình cho hay: “Bất chấp để “thoát Trung” là suy nghĩ tiêu cực. Điều cần làm là nâng cao sức mạnh của quả vải, điều tiết tốt hoạt động giao thương giữa thương lái Trung Quốc và người dân, để đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn hành vi thao túng giá, ép giá, các chiêu gian lận của gian thương để bảo vệ bà con”.
![]() |
Sự quan tâm của NTD trong nước vẫn là yếu tố quyết định thắng lợi của vụ vải 2017
Chinh phục thị trường khó tính
Năm 2017, dự kiến tỷ lệ tiêu thụ vải thiều trong nước và xuất khẩu là 50/50. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc (chiếm khoảng 40% lượng xuất khẩu), vải thiều Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động nâng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Malaysia… cũng như “gõ cửa” những thị trường mới như Dubai, Thái Lan, Canada…
Ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Năm 2016, sản lượng vải xuất khẩu sang Úc và Malaysia đạt hơn 13.000 tấn (tăng gấp ba lần năm 2015), năm nay sẽ tiếp tục tăng. Hiện hơn 218ha vải thiều Bắc Giang được Mỹ cấp mã số, dự kiến sản lượng vải xuất vào thị trường này đạt từ 1.000 – 1.500 tấn. Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cũng rất triển vọng”.
Tuy nhiên, để chinh phục được các thị trường lớn và khó tính, vải thiều Việt Nam cần cải thiện những hạn chế về thu hái, bảo quản, chế biến thành phẩm nhằm nâng cao giá trị quả vải. Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn đang phải tự “mò mẫm” trong sơ chế, bảo quản, thậm chí từ khâu chăm sóc, thu hoạch.
Ông Vũ Đào – Giám đốc công ty Phong Sơn Tiệm, cho hay: “Doanh nghiệp đang cần một nhà sản xuất cung ứng thành phẩm vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang bất cứ thị trường nào. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang cần tiến tới 100% diện tích vải thiều sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đẩy mạnh hỗ trợ hoàn thiện công nghệ sơ chế, bảo quản”.
“Chỉ cần duy trì chất lượng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, vải thiều sẽ có nhiều điều kiện để thâm nhập thêm những thị trường mới, qua đó nâng cao giá bán, tăng giá trị xuất khẩu”, ông Đào tiếp tục.
Cùng ý kiến, ông Thanh Thành Vỹ – Chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu hoa quả Thị Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), cho biết: “Vải thiều Việt Nam cần chú trọng hơn tới công nghệ bảo quản, đặc biệt các nguyên liệu bảo quản như nước đá, thùng xốp. Phía Việt Nam cũng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho thương nhân đăng ký tạm trú, rút gọn các thủ tục thông quan, rút ngắn thời gian đưa vải sang Trung Quốc, đảm bảo chất lượng quả vải”.
Theo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, đến thời điểm này, lượng vải tươi xuất khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 20 tấn, kim ngạch 4.700 USD; vải sấy khô ước đạt 22 tấn, kim ngạch 553.000 USD.
Cục cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động giao thương với những đối tác uy tín cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn và được hỗ trợ kịp thời.
Hiến Nguyễn