Trái cây rớt giá, hàng xuất khẩu không được thông thương, trên khắp các đường phố của Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc đều được mang tới tận tay người tiêu dùng “rẻ như cho” vẫn không khiến người mua hào hứng. Trải qua rất nhiều khâu trồng trọt, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, đóng gói, phân phối... thế nhưng nông sản Việt Nam vẫn ở thế thấp thỏm mùa vụ, “đi vướng núi về mắc sông”.
Trái cây xuất khẩu giảm giá sâu trên đường phố
Trên các tuyến phố của Hà Nội như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Giải Phóng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Xiển, Tôn Thất Thuyết... có nhiều điểm bán mặt hàng trái cây tươi tự phát. Những người buôn bán thường trải sạp trên vỉa hè hoặc dùng xe tải nhỏ, xe thùng chở hàng tạ hoa quả các loại, treo biển giá “niêm yết” để thu hút người mua. So với giá tại các siêu thị, trong chợ, nhìn chung giá của các tiểu thương đường phố này rẻ hơn 1/3 và rẻ bằng một nửa giá khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Do chính sách "Zero COVID" từ phía Trung Quốc, đã có hàng ngàn xe trái cây từ các cửa khẩu ùn tắc, hàng xuống mã, để lâu sẽ thối hỏng, lưu bến bãi phát sinh thêm nhiều chi phí. Trong hoàn cảnh đó, các thương lái buộc phải quay đầu về nội địa "xả hàng" nhằm gỡ gạc chi phí. Tuy nhiên, trong tháng 3/2022 này, do dịch bệnh căng thẳng, tâm lý người dân ngại ra ngoài tiếp xúc nên sức mua rất ảm đạm.
Theo khảo sát của VnBusiness sáng ngày 12/3, các đặc sản được giới thiệu là hàng xuất khẩu, đóng biên nên quay đầu, tiểu thương treo biển bán giá công khai, bao ngon tại chỗ gồm có: Mít Thái 8.000 đồng – 12.000 đồng/kg, thanh long hàng tuyển chọn đẹp 60.000 đồng - 70.000 đồng/ thùng 7kg, dừa xiêm 8.000 đồng – 10.000 đồng / quả, dưa hấu 6.000 đồng – 10.000 đồng/kg...
Trên các nhóm bán hàng online có lượt tương tác ra đơn nhiều, giá có thể thấp hơn khoảng 2.000 đồng so với ngoài đường phố, hoa quả tươi đăng bán liên tục. Tuy nhiên do xăng tăng giá, chi phí vận chuyển cũng tăng cao, sức mua online cũng khá lẻ tẻ, thời điểm dịch bệnh nên mặt hàng có sức mua ổn định hơn thường chủ yếu là cam, quýt.
Các đợt giải cứu nông sản trước đó luôn được người dân ủng hộ nhiệt tình, tuy nhiên trong tháng 3/2022 này, do dịch bệnh căng thẳng, tâm lý người dân ngại ra ngoài tiếp xúc nên sức mua cũng ảm đạm hơn nhiều. |
“Cả quả mít Thái to gần 5kg mà có vài chục nghìn, rẻ quá thì người ta đi buôn lãi sao nổi. Nhà tôi lại toàn F0 với F1, dưa hấu, thanh long đều tính hàn, sợ ăn bị lạnh nên chỉ mua ủng hộ một chút thôi”, bà Mai Thị Hòa (67 tuổi, Tố Hữu) chia sẻ.
Các tiểu thương cho biết, họ nhập lại từ đầu mối buôn hoa quả từ các tỉnh phía Nam, xe từ các cửa khẩu quay đầu sẽ có điểm tập kết tại bến bãi để chia hàng, thường tiểu thương sẽ mua với số lượng lớn hoặc “ôm cả công” để được giá tốt. Do chi phí bảo quản và vận chuyển cao, người mua thưa thớt nên ngay cả bán vỉa hè, đường phố vốn đã tiết kiệm tiền mặt bằng cũng gặp khó khăn.
Rõ ràng, sau nhiều năm nỗ lực để tìm giải pháp nâng cao giá trị nông sản đạt chuẩn yêu cầu của thị trường tiêu thụ nước ngoài, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển theo hướng chiều sâu.
Xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch là xu hướng tất yếu
Đặc biệt, trong dịp đầu năm mới, hoa quả tươi vẫn tiếp tục tình trạng "rồng rắn" lên cửa khẩu và... nằm im tại cửa khẩu. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đến ngày 9/3/2022 tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh là 1.892 xe, trong đó có 1.315 xe hoa quả, 577 xe hàng khác.
Nông sản giá rẻ bày bán tràn lan trên đường phố Hà Nội nhưng vẫn vắng người mua. |
Đặc biệt, trong dịp đầu năm mới, hoa quả tươi vẫn tiếp tục tình trạng rồng rắn lên cửa khẩu và... nằm im tại cửa khẩu. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, đến ngày 9/3/2022 tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh là 1.892 xe, trong đó có 1.315 xe hoa quả, 577 xe hàng khác.
Cụ thể tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, số phương tiện quay đầu (chuyển cửa khẩu khác) là 31 xe (mít, thanh long, xoài, mặt hàng khác), tổng số phương tiện còn tồn là 850 xe (trong đó có 413 xe tại khu trung chuyển, 239 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị, 198 xe tại bãi Cốc Nam). Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, số phương tiện quay đầu (chuyển cửa khẩu khác) là 11 xe (mít, thanh long), số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên là 39 xe (dưa hấu, thanh long, chuối, xoài), tổng số phương tiện còn tồn là 1.018 xe (trong đó tại bãi Bảo Nguyên 220 xe, khu phi thuế quan 798 xe).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá: “Tôi phát hiện, mọi bẫy của chúng ta nằm ở 3 chỗ: Nông dân tư duy mùa vụ, mùa nào tính mùa đó; doanh nghiệp tư duy thương vụ, thương vụ nào tính thương vụ đó; còn chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Chúng ta nghĩ ngắn quá, cho nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi”
Thị trường Trung Quốc rộng lớn, giao thương thuận lợi vẫn là lợi thế quan trọng để nông sản Việt Nam có chỗ đứng nhất định. Đặc biệt, sự yêu cầu chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu của thị trường này chính là thời cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi tư duy, sẵn sàng cung ứng tốt nhất các mặt hàng với qui cách, quy chuẩn, chất lượng đạt. Đã tới lúc cần xóa bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch, hướng tới chính ngạch sẽ cân đối cung cầu, nông sản được nâng giá, được làm thương hiệu và đường đi đúng, không lo sợ tình trạng bị động, bấp bênh mùa vụ như nhiều năm trước.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trình Thủ tướng chủ trương hình thành trung tâm kết nối nông sản ở Cần Thơ và sắp tới là một trung tâm ở khu vực Tây nguyên. Đây là hai vùng xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng cao của cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn nhu cầu của thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam cũng sẽ hướng tới những thị trường tiềm năng EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… Với kế hoạch này, việc tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng, đầu tư công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản được chú trọng, hi vọng các sản phẩm nông sản của Việt Nam sẽ sớm mang diện mạo mới chinh phục được đa dạng các thị trường khó tính.
Nguyễn Luận