Năm nay, tỉnh Hưng Yên ước đạt tổng sản lượng nhãn khoảng 50.000 tấn. Song chưa năm nào, giá nhãn lại giảm như vậy. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 nên số lượng thương lái đi thu mua giảm, sản phẩm nhãn Hưng Yên không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc.
Cùng quả nhãn nhưng hai 'số phận'
Bà Trần Thị Bắc, Chủ tịch HĐQT HTX Nhãn lồng Nễ Châu (Hưng Yên), cho biết chưa năm nào người trồng nhãn lại rơi vào tình cảnh khó khăn đến thế. Đầu ra gặp khó đã khiến lợi nhuận giảm mạnh. Mỗi kg nhãn bán được 15.000 đồng chỉ đủ công chăm sóc.
Giá nhãn xuống thấp vì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khó khăn. |
Cùng tình cảnh, ông Trần Văn Mý, Chủ tịch HTX cây ăn quả đặc sản Quyết thắng (xã Tân Hưng, TP.Hưng Yên), cho hay những năm trước, nhãn tại HTX được mùa, sản lượng đạt hơn 300 tấn, nhưng năm nay mất mùa, sản lượng chỉ đạt 150 tấn. Hơn nữa, giá bán nhãn năm nay đầu mùa được giá cao, tuy nhiên sau đó do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 60% sản lượng nhãn của HTX chịu ảnh hưởng của thị trường biến động, giá xuống 12.000 - 15.000 đồng/kg. Mức giá này, nông dân chỉ hòa vốn.
Cùng là quả nhãn, thế nhưng nhãn chín muộn ở Hà Nội lại đang được dự báo là "được mùa, được giá". Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết năm 2020 là một trong những năm nhãn chín muộn được mùa, năng suất đạt hơn 20 tấn/ha, dự kiến sản lượng nhãn chín muộn đạt 13.000 tấn. Hiện, giá vẫn giữ từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, các nhà vườn có lợi nhuận.
Đáng chú ý, theo ông Đại, nhãn chín muộn Hà Nội không lo về mức giá và đầu ra sản phẩm. Một phần vì diện tích trồng nhãn chín muộn chưa nhiều, chỉ khoảng 650 ha. Một phần chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nhãn chín muộn cho bà con thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Điều này cho thấy, thị trường nội địa có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo ổn định đầu ra không chỉ cho trái nhãn mà còn nhiều loại trái cây đặc sản vùng miền khác. Tuy vậy, việc tìm chỗ đứng cho trái cây Việt ở thị trường nội địa chắc chắn vẫn là bài toán nan giải.
Cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt
TS. Hoàng Đức Thân, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân) phân tích, nhiều nguyên nhân khiến trái cây đặc sản chưa tiêu thụ được nhiều và khắp cả nước. Trong đó, "nút thắt" lớn nhất là việc liên kết tiêu thụ sản phẩm do chưa hình thành chuỗi liên kết trong tiêu thụ đặc sản vùng miền. Đồng thời, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn vào khâu đầu tư cho sản xuất, chế biến sâu, tổ chức liên kết trong tiêu thụ.
Hơn nữa, quy mô sản xuất vẫn chủ yếu nhỏ, phân tán, chất lượng kiểm soát không chặt chẽ, không đảm bảo tính đồng bộ. Hầu hết trái cây đặc sản Việt Nam chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, vì vậy rất khó truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng băn khoăn về chất lượng.
Đáng chú ý, sự phối hợp của các ngành, địa phương chưa đồng bộ, chưa tạo cơ chế khuyến khích có hiệu quả vào sản xuất lưu thông các loại trái cây đặc sản.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Thân cảnh báo sự xuất hiện sản phẩm trái cây nhập khẩu với thuế suất về 0% sẽ tạo sức ép lên khâu sản xuất về chất lượng, mẫu mã, giá cả, dịch vụ. Trái cây Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với hàng nhập ngoại.
Bên cạnh đó là sức ép lên kênh phân phối. Khi thực hiện mở cửa thị trường, nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư lớn vào hệ thống phân phối, trái cây đặc sản Việt Nam đã khó lại càng khó tham gia vào hệ thống phân phối nước ngoài.
"Sức ép của quá trình mở cửa thực thi các Hiệp định EVFTA, CPTPP buộc chúng ta phải thay đổi, nếu tận dụng tốt thì có thể biến nguy thành cơ", ông Thân nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên (TP.Cần Thơ), đánh giá nhu cầu trái cây phục vụ tiêu thụ ở thị trường nội địa rất lớn. Song để sản phẩm có sức cạnh tranh tốt trên thị trường, nông dân cần liên kết với nhau phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và quy trình đồng nhất để sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và có chi phí thấp.
"Nông dân cần gắn kết lâu dài với các doanh nghiệp thông qua các hợp đồng liên kết tiêu thụ với mức giá bán trái cây phù hợp nhất để cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng được hưởng lợi", ông Cung nhìn nhận.
Thy Lê