Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu kỳ 2 tháng 8 (từ ngày 16-31/8) ước đạt 35,42 tỷ USD, tăng 16,6% (tương ứng tăng 5,05 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 8. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 19,7 tỷ USD, tăng 30,2% (tương ứng tăng 4,57 tỷ USD) so với kỳ 1; kim ngạch nhập khẩu đạt 15,73 tỷ USD, tăng 3,2% (tương ứng tăng 483 triệu USD).
Ngành chế biến nông sản đóng góp quan trọng vào mức xuất siêu 5,49 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm (Ảnh: INt) |
Lũy kế 8 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 499,71 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 68,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 252,6 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 38,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 29,84 tỷ USD). Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 5,49 tỷ USD.
Trong 8 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu 34,3 tỷ USD, tuy nhiên chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ ba là EU, với kim ngạch ước đạt 32 tỷ USD, tăng 24%, mức xuất siêu lên tới 21,6 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường ASEAN với kim ngạch ước đạt 23,5 tỷ USD, tăng 27,6%, với mức nhập siêu 9 tỷ USD, giảm 3,3%; thị trường Hàn Quốc ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,4%, với mức nhập siêu lên tới 27,4 tỷ USD, tăng 30,3%; thị trường Nhật Bản ước đạt 15,6 tỷ USD, tăng 17%, với mức nhập siêu chỉ là 320 triệu USD, giảm 74,7%.
Dự báo, trong những tháng cuối năm 2022, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nên hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, Bộ Công Thương ước tính xuất siêu cả năm 2022 chỉ ở mức 1 tỷ USD.
Đức Nguyễn