Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ và lừa dối người tiêu dùng |
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp này như giả mạo xuất xứ, vi phạm bảo hộ nhãn hiệu công nghiệp, cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam chất lượng cao"...
Cụ thể, các sản phẩm nêu trên, Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công để tạo thành hàng hóa hoàn chỉnh, bán ra thị trường. Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo
Việc tự lắp ráp thủ công các sản phẩm trong nước tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng không cao, chỉ khoảng 1-2%, do đó nếu căn cứ vào các quy định thì các sản phẩm này không thể gọi là "made in Vietnam". Tổng cục Hải quan kết luận, Asanzo có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa.
Liên quan đến cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", Tổng cục Hải quan cho biết quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, quy trình lắp ráp của Asanzo không như quảng cáo. Theo đó, việc lắp ráp TV, điều hòa nhiệt độ, máy xay sinh tố được xác định là diễn ra trên các bàn thủ công, không có dây chuyền hiện đại.
"Về việc sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế", báo cáo nhấn mạnh.
Cụ thể, Căn cứ vào Công văn số 2294/BKHCN-TTr ngày 31/7/2019 của Bộ Khoa học công nghệ về việc cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến thông tin, tài liệu về quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp, việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, Bộ Khoa học công nghệ không nhận được và không xử lý bất kỳ hồ sơ nào đăng ký chuyển giao công nghệ liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo Việt Nam và các công ty có liên quan.
Về hành vi trốn thuế của Asanzo, doanh nghiệp này khai thuế TNDN, GTGT đầu ra, thuế GTGT đầu vào khấu trừ không đúng quy định; Doanh nghiệp không nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt; Sử dụng hóa đơn đầu vào có nội dung ghi là mặt hàng điều hòa nhiệt độ không đúng với thực tế là linh kiện điều hòa nhiệt độ, không ghi chép trong sổ kế toán linh kiện và thành phẩm điều hòa nhiệt độ (công suất từ 90.000 BTU trở xuống) có dán tem Asanzo, bao bì in nhãn hiệu Asanzo và khoản thu liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH Điện Lạnh Asanzo, không xuất hóa đơn cho Công ty TNHH Điện Lạnh Asanzo, không khai thuế GTGT và thuế TTĐB...
Cũng trong sáng ngày 28/10, trong buổi họp giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo, đại diện Bộ Công thương cho biết qua thực tế làm việc và xác minh thông tin, đơn vị này cơ bản đồng ý với báo cáo tổng quan của Tổng cục Hải quan. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Asanzo, Bộ Công Thương nhận định với kết quả kiểm tra đạt được, tập đoàn này đã vi phạm những quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ về quản lý ngoại thương. “Có thể coi hàng mà Asanzo xuất đi nước ngoài không phải xuất xứ Việt Nam”- đại diện Bộ Công Thương nói.
Với hàng hóa lắp ráp, tiêu thụ, lưu thông trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện chưa có quy định cụ thể nên rất khó để kết luận. Bộ này cho biết đang xây dựng thông tư về ghi nhãn hàng hóa “made in Vietnam”.
khi doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về sản xuất, lắp ráp thì cần quan tâm đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu để tránh đi vào “vết xe đổ” như câu chuyện của Asanzo những ngày qua.
Thanh Hoa