Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết hiện có 256 doanh nghiệp nhập khẩu (DN NK) và sử dụng phế liệu trên cả nước. Trong đó, 153 DN NK phế liệu để trực tiếp phục vụ sản xuất (chiếm 59,76%), 103 DN NK ủy thác (chiếm 40,24%).
Chế tài chưa mạnh?
Các mặt hàng phế liệu NK bao gồm máy móc, thiết bị lạc hậu cũ, linh kiện điện tử… có chứa nhiều chất gây nguy hại, nguy cơ hủy hoại môi trường, hủy hoại sức khỏe của con người. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao nên nhiều DN đã "lách luật" để qua mặt lực lượng chức năng.
Nhiều nước cũng cho nhập các mặt hàng phế liệu này làm nguyên liệu sản xuất như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan…
Tại Việt Nam, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 41/2015/TT-BTNMT quy định việc NK phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường, cùng với đó là hệ thống các Quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với phế liệu NK. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.
Cùng với đó, để siết chặt việc NK phế liệu, nhiều văn bản luật cũng được sửa đổi, có chế tài xử phạt đối với tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam.
Đơn cử, người nào đưa chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm từ 1.000kg đến dưới 3.000kg vào lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa chất thải khác từ 70.000kg đến dưới 170.000kg sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Các tổ chức đưa chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy có khối lượng từ 3.000kg đến dưới 5.000kg, chất thải khác có khối lượng từ 170.000kg đến dưới 300.000kg sẽ bị phạt từ 1.000.000.000 đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm…
Tuy vậy, chính sách chung vẫn có kẽ hở, như chưa có bất kỳ cơ chế nào ràng buộc trách nhiệm về chất lượng hàng hóa với đơn vị chuyên chở.
Ông Thức cho rằng cần có một chế tài xử phạt với hãng tàu khi chuyên chở hàng hóa là rác thải mà không có tên người gửi hoặc hàng về cảng không có người nhận.
Hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam đang ùn ứ tại cảng Cát Lái |
Kiên quyết với "hàng vô chủ"
Trước thực trạng hàng ngàn container rác phế liệu đang tồn đọng ở các cảng biển của Việt Nam, Tổng cục Môi trường đã giao Cục Môi trường miền Nam và Cục Môi trường miền Bắc khảo sát nắm tình hình.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường thành lập Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong NK phế liệu.
Thực hiện chỉ đạo, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức tổng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cảng biển của Tp.HCM và Hải Phòng, là hai địa bàn trọng điểm đang có tồn đọng về phế liệu nhập khẩu. Dự kiến, công tác kiểm tra sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày.
Ông Thức cho biết, khi có kết quả kiểm tra, Tổng cục Môi trường sẽ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cũng như đề xuất các giải pháp tổng thể để chặn đứng tình trạng NK ồ ạt này.
Liên quan đến xử lý hàng phế liệu NK quá hạn, ông Thức chia sẻ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 203 giao cho cơ quan chủ trì. Ngày 26/6, Tổng cục Môi trường đã đề nghị trong tháng 7/2018, Hải quan Cát Lái phải kiểm đếm 3.500 container và phân loại, container nào quá hạn 90 ngày sẽ xem xét xử lý.
"Tuy nhiên, những container sau 90 ngày nếu có DN đến làm thủ tục thông quan, đáp ứng đủ yêu cầu của pháp luật thì cơ quan hải quan vẫn cho thông quan", ông Thức nói.
Sau 90 ngày, cơ quan hải quan sẽ phải thông báo 3 kỳ, sau 3 kỳ không có DN đến làm thủ tục, cơ quan hải quan sẽ xác định container vô chủ và xác lập sở hữu nhà nước đối với lô hàng đó.
Khi container được mở, hàng nằm trong 36 nhóm hàng trong danh mục được phép sử dụng thì sẽ tìm các DN đủ các điều kiện, chức năng xử lý số phế liệu này để bán đấu giá, nếu hàng không nằm trong danh mục thì yêu cầu tái xuất.
"Trong trường hợp xấu nhất nếu hàng là phế liệu trong danh mục cấm sẽ tiêu hủy, nhưng sẽ tốn kém", ông Thức cho hay.
Trước đó, Tổng cục Môi trường cũng thường xuyên phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính kiểm tra việc NK phế liệu. Qua kiểm tra, chưa phát hiện tình trạng NK rác thải nguy hại nhưng có tình trạng gian lận thương mại, nhiều chủ hàng lợi dụng làm giả mạo giấy phép NK và NK phế liệu không đúng quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép. Các cơ quan chức năng cũng đã mạnh tay xử lý với những trường hợp vi phạm này.
Minh Sơn