Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, ngay sau khi có thông tin về sự tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại một số cảng biển của Việt Nam, Bộ TN&MT đã chủ động khảo sát, nắm thông tin và thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng của TP.HCM (Ảnh minh họa: Internet) |
Qua công tác kiểm tra của Bộ TN&MT, lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng của TP.HCM, một số cảng khác như tại Hà Nội, cảng Cái Mép cũng có tồn đọng nhưng số lượng không nhiều.
Cụ thể, số liệu của Cục Hải quan TP.HCM và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tính đến ngày 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng do Tổng công ty quản lý là 4.480 container, trong đó riêng cảng Cát Lái là 3.464 container.
Theo đó, số container lưu bãi dưới 40 ngày là 595 container; số container lưu từ 30-40 ngày là 968 container; số container lưu quá 90 ngày là 2.068 container. Ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy, 80% còn lại là phế liệu nhựa và các phế liệu khác.
Tại các cảng của TP Hải Phòng đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container và 507 container có thời hạn từ 30-90 ngày.
Hiện nay, việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cảng, làm chậm lưu thông hàng hóa, giảm dung lượng bãi chứa container, ảnh hưởng đến hoạt động của Hải quan, đến hoạt động của các hãng tàu và làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Minh Trang