Mới đây, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu. Mức thuế mới này có thể khiến nhà mua hàng chuyển sang các đối tác khác là Thái Lan hay Việt Nam (Ấn Độ đang chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu).
Dự báo giá gạo xuất khẩu tăng
Vì vậy, thông tin trên nhanh chóng được nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo quan tâm. Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (Long An), động thái mới này của Ấn Độ có thể khiến giá gạo thế giới tăng khoảng 20%, tương đương với mức thuế xuất khẩu gạo mà quốc gia này áp dụng.
Xuất khẩu gạo kỳ vọng có thể đạt khối lượng 6,5 – 6,7 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,2-3,3 tỷ USD trong năm 2022. |
Trước diễn biến mới này, nhiều DN xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng cho biết đang theo dõi sát, thậm chí ngưng chào bán do dự báo giá có thể tăng trong thời gian tới.
Cụ thể, ông Phan Văn Có, đại diện Công ty TNHH Vrice, cho hay giá gạo trong nước những ngày gần đây đang được thu mua tăng từ 200 – 300 đồng/kg. Với đơn hàng mới, hiện DN đang tạm ngưng ký thêm các hợp đồng gạo trắng và tấm do giá đang lên, khả năng 5-10 ngày tới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ chào bán tăng 15-20 USD/tấn.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, dự đoán năm nay xuất khẩu gạo có thể đạt khối lượng từ 6,4-6,5 triệu tấn. Tuy nhiên, đặc thù của ngành gạo là đơn hàng ký kết theo tháng. Ví dụ, đơn hàng với khối lượng lớn chỉ được ký xong 5-10 ngày mới được giao hàng, chứ không phải mua trước mấy tháng trời như các mặt hàng khác. Có thể nói mua bán gạo diễn ra quanh năm, liên tục trong 12 tháng.
Với DN đi vào phân khúc gạo thơm, gạo chất lượng cao, ông Bình đánh giá những biến động trên thị trường lúa gạo thế giới ít ảnh hưởng tới. "Công ty đi theo phân khúc gạo chất lượng, lãi thì mới làm, 6 tháng đầu năm nay, khối lượng xuất khẩu gạo của Trung An tăng hơn 60% so với cùng kỳ 2021, kim ngạch vượt 17%", ông Bình chia sẻ.
Tuy vậy, lãnh đạo Trung An bày tỏ nỗi lo về việc cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn có, không chỉ đến từ việc Ấn Độ siết xuất khẩu gạo của họ mà trong tình hình xung đột Nga – Ukraine, lương thực là mặt hàng luôn được nhiều thị trường ưu tiên nhập khẩu… Tuy nhiên, vấn đề là xuất khẩu của Việt Nam tận dụng ra sao, tránh tình trạng cạnh tranh xuống đáy, hạ giá bán khiến gạo Việt thất thế trên thị trường.
Thực tế, trong những tháng vừa qua, dù nhu cầu của thế giới đối với mặt hàng lúa gạo cao nhưng giá gạo của Việt Nam lại giảm so với 2021.
Có “lột xác” sau đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
Bàn về cơ hội, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), nêu ra vấn đề đến từ ngay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Theo cam kết từ Hiệp định trên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80 nghìn tấn gạo mỗi năm: 30 nghìn tấn gạo xay xát; 20 nghìn tấn gạo chưa xay xát và 30 nghìn tấn gạo thơm. Tuy nhiên, các DN Việt Nam lại chưa tận dụng hết hạn ngạch 30 nghìn tấn gạo thơm mà phía EU dành cho. "Vì vậy, trong quá trình trao đổi với EU, họ nói 30.000 tấn còn chưa dùng hết thì xin thêm làm gì? Bao giờ tận dụng hết mới tính", ông Khanh kể.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên nói tiếp: “Trong quá trình đàm phán, chúng tôi đã đề nghị dư địa rất lớn, nhưng DN lại không tận dụng hết, đó là thách thức. Ví dụ như gạo thơm thì cần có thương hiệu, nhưng hiện thương hiệu gạo Việt rất yếu, nếu chỉ làm gia công thì làm sao tăng công suất, cũng như nếu DN này không xuất thì DN kia xuất bù lên cho đủ 30.000 tấn. Hoặc những DN lớn có thể kết hợp với nhau để đủ 30.000 tấn”.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Bộ NN&PTNT dự báo xuất khẩu gạo trong năm nay có thể đạt khối lượng từ 6,5 - 6,7 triệu tấn, với kim ngạch dao động từ 3,2 - 3,3 tỷ USD.
"Việc thị trường các nước EU, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu gạo Việt Nam sẽ là cơ hội cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, khi xuất khẩu gạo đạt được những thành tích thì cũng cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu", lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đề án hướng tới mục tiêu sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Đồng thời hướng tới sử dụng các giống lúa đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng và nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.
Trong đó, vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, HTX. Họ sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với DN kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và DN bao tiêu đầu ra.
Về Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) giải thích thêm, 1 triệu ha đất trồng lúa chất lượng cao này không chỉ đơn giản là giống lúa chất lượng cao mà trong Đề án cần đề xuất các chính sách nhằm thu hút các DN sản xuất kinh doanh, chế biến xuất khẩu gạo như đầu tư từ kho chứa, chế biến, logistics… nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, tận dụng các phế phụ phẩm từ lúa gạo để tạo ra sản phẩm công nghệ cao, chế biến sâu các sản phẩm từ gạo.
Nhật Linh