Sự kiện khánh thành Tổ hợp Chế biến Thịt Meat Hà Nam chính là mảnh ghép quan trọng và cuối cùng hoàn thiện mô hình tích hợp hoàn chỉnh chuỗi giá trị thịt của Masan.
Từ vận hành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn Global Gap, đến trang trại chăn nuôi kỹ thuật cao tại Nghệ An theo tiêu chuẩn Global Gap, sau cùng là tổ hợp chế biến thịt công nghệ thịt mát từ châu Âu đáp ứng tiêu chuẩn BRC.
Toàn bộ chuỗi cung ứng và phân phối giữ mát đảm bảo mang thịt mát Meat Deli đến tay người tiêu dùng tươi, ngon, sạch.
Toàn bộ quy trình sản xuất theo công nghệ thịt mát từ Châu Âu, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam |
Trước đó, vào tháng 2/2018, công ty này đã khởi công xây dựng Tổ hợp chế biến thịt đẳng cấp thế giới với vị trí chiến lược tại tỉnh Hà Nam.
Tổ hợp chế biến thịt có công suất thiết kế là 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn/năm. Dự án có mức vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Dây chuyền thiết bị đồng bộ, tiên tiến nhất hiện nay do Marel – công ty hàng đầu thế giới về thiết bị giết mổ, chế biến thịt của Hà Lan cung cấp.
Toàn bộ quy trình sản xuất theo công nghệ thịt mát từ châu Âu, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam được các chuyên gia châu Âu giàu kinh nghiệm trực tiếp vận hành, và kiểm soát. Nhà máy sẽ được vận hành theo tiêu chuẩn BRC – tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, thịt heo sau khi chế biến sẽ được làm mát và đóng gói với công nghệ Oxy-Fresh ngay tại nhà máy nhằm ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Để giữ trọn dưỡng chất cùng độ ngon tối ưu của thịt. sản phẩm thịt heo Meat Deli luôn được bảo quản xuyên suốt ở nhiệt độ 0 – 4 oC từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng. Nhà máy cũng đầu tư lớn vào hệ thống xử lý chất thải với công nghệ hàng đầu, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt loại “A”.
Sản phẩm thịt mát Meat Deli của Masan chính thức tung ra thị trường vào ngày 23/12/2018 đáp ứng theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 12429:2018) về Thịt mát do Bộ NN&PTNTT đề xuất và Bộ KHCN công bố vào ngày 16/10/2018.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được thực thi vào năm 2019, ngành chăn nuôi Việt Nam đang được xếp vào hàng có nhiều yếu thế. Trong đó, khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi thời gian qua là khâu tổ chức chế biến và phân phối lưu thông sản phẩm.
Do đó, việc khuyến khích những doanh nghiệp có tiềm lực lớn, tập trung vào chuỗi giá trị khép kín, đủ sức cạnh tranh và hướng tới hướng tới xuất khẩu là việc mà ngành chăn nuôi cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới.
Lê Thúy