Dữ liệu báo cáo của Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Ecomviet) cho thấy, ngành mua sắm trực tuyến của Việt Nam trong những năm vừa qua đã và đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội. Đến năm 2022, doanh số bán lẻ trực tuyến toàn ngành đã đạt tới 16,4 tỷ USD và ghi nhận 57 triệu người tham gia mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nước ta được xếp vào top đầu trong thế giới và và hiện đang đứng thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.
Đến năm 2023, dù gặp phải trở ngại do khủng hoảng kinh tế, thương mại điện tử Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng với tốc độ khoảng 25% cao hơn 5% so với năm 2022. Doanh số trên các sàn thương mại điện tử ở nước ta sau 10 tháng đã đạt khoảng hơn 180 nghìn tỷ đồng, tương đương với khoảng 6 tỷ USD, trong đó, riêng doanh thu từ Shopee đã chiếm tới hơn 135 nghìn tỷ đồng, mức tăng trưởng trên sàn này ghi nhận tăng 30% so với cùng kì.
Doanh số trên các sàn thương mại điện tử ở nước ta sau 10 tháng đã đạt khoảng hơn 180 nghìn tỷ đồng. |
Tuy có tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng theo ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT – Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thực chất, TMĐT Việt Nam có sự phát triển không bền vững. Lý do được ông đưa ra trước hết là vấn đề về cạnh tranh trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiktok Shop hiện nay đang diễn ra hết sức gay gắt. “Người người, nhà nhà cùng online, có rất nhiều nhà cung cấp cùng hoạt động trên một nền tảng để bán hàng hóa giống nhau nên cạnh tranh trên các sàn là rất lớn” ông Thành nhận định.
Ngoài ra, phải kể đến một vấn đề vô cùng nhức nhối hiện nay là hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tràn lan trên các sàn TMĐT, việc kiểm soát hàng kém chất lượng trên các trang trực tuyến gặp nhiều khó khăn. Mà một khi các mặt hàng này lưu thông nhiều trên thị trường đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín thương hiệu của các sàn.
Bên cạnh đó, sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương cũng được cho là tạo ra mối đe dọa cho TMĐT trong tương lai. Hiện khoảng gần 70% dân số ở các tỉnh thành nông thôn xa trung ương nhưng các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh lại chiếm tới 70% doanh số bán lẻ trực tuyến toàn quốc. Thống kê cũng ghi nhận, doanh thu trên các sàn TMĐT chủ yếu đến từ hai thành phố lớn là Hà Nội với hơn 42 nghìn tỷ đồng và thành phố Hồ Chí Minh là 57 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, Đà Nẵng là địa phương đứng thứ 3 cả nước về doanh số TMĐT, cũng đã có sự tăng trưởng 11% so với cùng kì nhưng chỉ đạt hơn 709 nghìn tỷ đồng. Điều này đã tạo ra chênh lệch rất lớn giữa các địa phương gây sự phát triển không đồng đều, từ đó thị trường cũng khó đi lên bền vững.
Không chỉ vậy, các vấn đề như ô nhiễm môi trường do bao bì, đóng gói sản phẩm; các chính sách, quy định còn hạn chế, chưa kiểm soát được toàn diện; chi phí khởi tạo và duy trì gian hàng khá cao; vấn đề logistics;… cũng là những nguyên nhân được ông Thành đưa ra để lý giải cho luận điểm TMĐT Việt Nam khó bền vững.
"Việt Nam cần có thêm khuôn khổ pháp lý, thể chế chính sách để hỗ trợ, chính sách xử phạt vi phạm rõ ràng. Các bộ ngành, địa phương cũng cần có những quyết định phê duyệt để phát triển thương mại điện tử theo giai đoạn và theo từng năm, đồng thời hỗ trợ thêm kinh phí để các doanh nghiệp có thể tham gia tích cực", ông Thành nói.
Bích Tâm