Số liệu thống kê cho thấy, lượng xe ô tô tiêu thụ trong 9 tháng năm 2020 vẫn khá thấp so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng lượng xe lắp ráp trong nước bán ra đạt hơn 113.700 chiếc, giảm hơn 23.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, ước khoảng 17%. Trong khi đó, xe nhập khẩu bán ra đạt 65.400 chiếc, giảm gần 17.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, khoảng 20%.
Người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng
Như vậy, xét về số lượng xe giảm, xe lắp ráp trong nước đang giảm doanh số nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Xe nhập giảm ít hơn, tuy nhiên tốc độ giảm của xe nhập đang tăng mạnh hơn.
Các hãng xe tung chiêu khuyến mãi, thu hút khách hàng. |
Về nguyên nhân, xe nhập giảm do một số mẫu có doanh số tốt như Honda CRV, Toyota Fortuner hay Mitsubishi Xpander đã được lắp ráp tại Việt Nam, có mẫu lắp 50%, có mẫu 100%. Điều này khiến lượng xe nhập về giảm sút mạnh bởi các mẫu xe trên thường lọt vào top 10 mẫu xe có doanh số cao nhất nhì tại Việt Nam.
Lý do thứ hai khiến xe nhập giảm là ưu đãi xe trong nước được Chính phủ áp dụng giảm 50% phí trước bạ, từ 10-12% xuống 5-6%. Việc ưu đãi này đã khiến một số dòng xe, mẫu xe nhập bất lợi so với các mẫu xe, dòng xe đang cạnh tranh trực tiếp. Người tiêu dùng thay vì mua xe nhập, đã chuyển sang mua xe trong nước để có lợi từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Về phần xe lắp ráp trong nước, mặc dù đang có lợi thế hơn xe nhập song dường như ưu đãi về phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt chưa đủ lực để chấm dứt sự suy giảm. Thống kê của VAMA cho thấy, một số hãng xe như Toyota, Honda, Thaco... bị giảm sút tổng doanh số bán xe từ 20 - 35%.
Thực tế, việc Chính phủ cho phép giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước cũng ít nhiều tác động đến thị trường xe, đặc biệt đối với tiêu thụ xe trong nước. Tuy nhiên, ngay sau khi xe trong nước được giảm phí trước bạ từ 10-12% xuống còn 5-6%, nhiều hãng và doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi về nước cũng tuyên bố giảm tiền trực tiếp vào giá tương ứng với 10-12% phí trước bạ cho khách hàng.
Đặc biệt, 3 tháng cuối năm là thời điểm để DN, đại lý sản xuất và phân phối xe trong nước và nhập khẩu thực hiện mức giảm giá sâu hơn nữa. Khảo sát thị trường cho thấy xe VinFast Fadil đang giảm giá 25 triệu đến 30/10, các mẫu Kona, Tucson và SantaFe của Hyundai đang giảm giá từ 15 - 80 triệu đồng/chiếc. Trước đó, VinFast tuyên bố giảm 100% phí trước bạ với LuxA2.0 và LuxSA2.0.
Không chịu lép vế so với xe lắp ráp trong nước, các hãng xe nhập khẩu đang "mạnh tay" triển khai nhiều chương trình. Anh Nam, chủ một đại lý phân phối xe nhập ở đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), cho biết đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm trực tiếp vào giá xe hơi nhập khẩu như Ford Everest giảm giá 80 triệu đồng/chiếc tùy theo phiên bản. Ðáng chú ý có mẫu xe BMW X7 được giảm với mức giá kỷ lục lên tới 810 triệu đồng. Động thái này nhằm để thu hút khách hàng, giải phóng hàng tồn kho
Cạnh tranh khốc liệt
Thực tế, việc cạnh tranh với các dòng xe nhập chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với xe lắp ráp trong nước. Mới đây, báo cáo về ngành ô tô của Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô trong nước đã có những cải thiện đáng kể. Nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay phát triển ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam còn không ít tồn tại, hạn chế. Điển hình như, ngành công nghiệp ô tô chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Đáng chú ý, giá bán xe ô tô trong nước vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Trước thực tế trên, báo cáo nêu rõ, Việt Nam cần có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm, điển hình như ngành ô tô. Cụ thể, với công nghiệp ô tô cần tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây và tương lai.
Theo chuyên gia ngành ô tô Khương Quang Đồng, công nghiệp ô tô Việt Nam đang trong vòng luẩn quẩn. Sức cạnh tranh các xe nội địa quá yếu để hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất linh kiện đầu tư nên tỷ lệ nội địa hoá thấp, vì tỷ lệ nội địa hoá thấp nên công nghiệp lắp ráp ô tô trong nước khó cạnh tranh với xe nhập.
Để thoát ra khỏi tình trạng này, ông Đồng cho rằng Việt Nam nên tận dụng dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc để thu hút các tập đoàn sản xuất ô tô về Việt Nam, từ đó tạo ra những bước đột phá đưa công nghiệp ô tô quốc gia lên tầm cao hơn nhằm đáp ứng được thị trường 1 triệu xe năm 2025.
"Giảm phí trước bạ và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo tỷ lệ nội địa hoá sẽ là những "đòn bẩy" làm tăng sức cạnh tranh của ngành ô tô nội địa vì những biện pháp này sẽ kích thích các doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hoá và gây động lực thu hút các doanh nghiệp quốc tế dịch chuyển vào Việt Nam để đóng góp xây dựng chuỗi giá trị ở phân cấp cao", ông Đồng đề xuất.
Thy Lê