Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc có chiều hướng giảm mạnh, kéo theo nguồn thu ngân sách sụt giảm gần 1.300 tỷ đồng.
Kinh doanh ô tô ảm đạm
Cụ thể, trong tháng 5, cả nước nhập khẩu hơn 7.600 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt hơn 191 triệu USD, giảm hơn 33% so với tháng trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu có chiều hướng giảm mạnh.
Doanh số ô tô sản xuất trong nước, theo số liệu báo cáo kỳ gần nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cũng giảm đáng kể. Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 (lắp ráp trong nước giảm 39%; nhập khẩu giảm 16%).
Người dân và doanh nghiệp chờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. |
VAMA đánh giá doanh số ô tô tiếp đà giảm sút trong các tháng đầu năm 2023 là tín hiệu đáng lo ngại với nhiều doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, một số địa phương có thể bị hụt thu ngân sách, lao động mất việc làm.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Đại lý showroom trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết, doanh số bán ô tô trong tháng 5 giảm đến 70% so với cùng kỳ năm 2022. “Doanh nghiệp vô cùng khó khăn vì lượng xe “nằm” trong kho quá lớn, trong khi dòng vốn không lưu thông, doanh nghiệp vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền lãi ngân hàng… mỗi tháng, tạo áp lực rất lớn”, ông Tuấn nói.
Trong bối cảnh đó, VAMA đã đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ôtô trong thời gian 6 tháng từ 1/7 - 31/12/2023.
Lý giải về đề xuất này, VAMA cho biết, trong tình hình khó khăn của thị trường, với doanh số sụt giảm dẫn đến lượng tồn kho lớn và các áp lực về dòng tiền, rất nhiều hãng đã tự thực hiện các giải pháp kích cầu. Trong đó, nhiều hãng chiết khấu cho khách hàng lên tới mức 10% - 12% của mức giá niêm yết.
Tuy nhiên, chỉ với nguồn lực của doanh nghiệp thì chắc chắn các biện pháp như vậy không thể kéo dài và việc áp dụng riêng rẽ của mỗi doanh nghiệp không tạo được sự kích thích tiêu dùng trên diện rộng.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội cũng đang rất mong chờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô.
Việc giảm lệ phí trước bạ sẽ ảnh hưởng tích cực tới ngành vận tải do chi phí đầu vào giảm, nhất là đối với vận tải hàng hóa đang có nhu cầu bổ sung xe rất lớn.
Giảm áp lực cho doanh nghiệp, người dân
Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ, dự kiến áp dụng ngay từ 1/7 tới.
Trao đổi với VnBusiness, nhiều người dân, doanh nghiệp bày tỏ sự kỳ vọng vào chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ giúp thị trường ô tô khởi sắc.
Ông Chu Quang Đô, Giám đốc bán hàng Hyundai An Khánh, Hà Nội cho biết, lệ phí trước bạ này nhắm tới đối tượng xe mới và sản xuất trong nước. Do đó, xe cũ và xe nhập khẩu khó tránh được áp lực cạnh tranh. Tuy nhiên, theo quan sát của ông Đô, những lần giảm lệ phí trước đó, doanh số bán ô tô đều gia tăng.
"Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực, chúng tôi kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng lên 60 - 70% và lượng khách hàng mua xe tăng thêm 70 - 80% so với cùng kỳ năm ngoái", ông Đô nói.
Còn ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc kinh doanh Mitsubishi Cầu Diễn (Hà Nội) cho biết: "Trong thời gian tới, thị trường ô tô sẽ được phục hồi và nhu cầu của người tiêu dùng cũng sẽ được tăng lên. Kỳ vọng của tôi sẽ rơi vào 70 - 80% so với cùng kỳ năm ngoái".
Anh Trần Anh Tú, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, anh quyết định đi xem xe ở thời điểm này do anh đọc được thông tin sẽ có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ ngày 1/7. “Tôi lựa chọn xe trước, đợi đến khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực cùng với các chính sách khuyến mãi từ phía các hãng xe, nếu lệ phí trước bạ được giảm nữa thì dòng xe tôi muốn mua sẽ rẻ hơn khoảng 140 - 150 triệu đồng. Khả năng tôi sẽ quyết luôn", anh Tú nói.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: Phần đông người mua ô tô vẫn giữ tâm lý chờ đợi đến thời điểm được áp dụng mức lệ phí trước bạ mới thay vì mua xe luôn thời điểm này. Từ nay đến khi chính thức giảm phí, khách có thể hỏi nhiều nhưng sẽ chưa chịu chốt hợp đồng.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm nay có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chính sách này có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế - xã hội.
Thực tế, trước đây, khi áp dụng chính sách này, có những tháng doanh số ô tô đã có mức tăng trưởng bình quân 20%. PSG.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính nhận định: "Nếu chúng ta thực hiện nửa năm thì mức hụt thu khoảng hơn 8.000 tỷ. Theo kinh nghiệm của những năm trước, do bán được nhiều hơn lượng ô tô ra thị trường, nên mức thu ngân sách sẽ tăng lên khoảng 12.000 - 15.000 tỷ".
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, để chính sách kích cầu tiêu dùng thị trường ô tô trong nước phát huy tác dụng, ngoài việc giảm 50% lệ phí trước bạ, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mãi mới có thể đạt được mục tiêu thị trường ô tô tăng trưởng trở lại trong 6 tháng cuối năm nay.
Thanh Hoa