Theo đó, tại Tờ trình gửi Thường trực Chính phủ về đề xuất mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như đã báo cáo trước đó.
Nêu một loạt lý do, Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm 50% LPTB sẽ tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Điển hình, năm 2020 việc giảm LPTB đã tác động giảm thu NSNN tương ứng 16.041 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định gia hạn thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn. |
Bên cạnh đó, cơ quan này cho hay, thời điểm áp dụng giảm LPTB chỉ giúp tăng số thu thuế GTGT và thuế TTĐB ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP HCM (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu LPTB chỉ tăng ở 11 địa phương. Trong khi đó, 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này.
Đồng thời, chính sách giảm 50% LPTB sẽ tác động đến cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Thực tế, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam và Eurocham đã đề xuất thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với cả ô tô nhập khẩu để đảm bảo cam kết quốc tế đã ký kết. Nếu thực hiện phương án này thì có thể ảnh hưởng lớn đến cân đối NSNN của các địa phương.
Phân tích thêm về tác động việc giảm 50% LPTB đối với tiêu dùng trong nước, Bộ tài chính cho rằng, giai đoạn hiện nay, sức mua và tiêu dùng đã khác so với bối cảnh trong giai đoạn năm 2020 - 2022, nhu cầu mua xe của người dân được đánh giá là thấp hơn. Việc tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn hiện nay dự báo khó có thể phát huy được tác dụng kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng như giai đoạn trước.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể áp dụng ngắn hạn trong điều kiện năm 2021-2022 phần lớn các nước đều chịu tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 và cũng có nhiều điều chỉnh chính sách đặc thù. Tuy nhiên, nếu tiếp tục thực hiện trong năm 2023 không còn phù hợp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, trong đó có doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Bộ Tài chính cho biết, hiện đang nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền gói hỗ trợ khoảng 186.700 tỷ đồng (trong đó gói miễn, giảm thuế là 65.500 tỷ đồng và gói gia hạn thuế là 121.200 tỷ đồng).
Mặt khác, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Nghị định gia hạn thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn, với số tiền thuế dự kiến được gia hạn là 11.200 tỷ đồng.
Trên cơ sở những phân tích nêu trên, Bộ Tài chính trình Thường trực Chính phủ chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thanh Hoa