Giá tiêu có ngày tăng thứ hai liên tiếp tính từ đầu năm 2024. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 82.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 81.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 81.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 82.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước,tiêu được thu mua với mức 82.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Đây là ngày tăng thứ 2 của giá tiêu trong năm 2024. Dự báo của các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành cho thấy, từ nay đến Tết Giáp Thìn, thị trường trong nước không có nhiều biến động lớn, mức giá điều chỉnh trong biên độ hẹp. Còn nhìn tổng thể thời điểm quý I/2024, lượng mua vào của các nước phương Tây có thể dồn cùng một lúc do tồn kho hạn chế, sẽ giúp đẩy giá tiêu trong nước tiếp tục tăng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt 267.000 tấn, trị giá 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6% về trị giá so với năm 2022. Như vậy, mục tiêu ngành hàng tỷ USD tiếp tục không đạt được.
Điều này là do giá xuất khẩu xuống thấp. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 3.420 USD/tấn trong năm qua, giảm tới 19,4% so với năm 2022.
Sản lượng năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 190.000 tấn, nhập khẩu chừng 26.000 tấn. Năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu đã phải lấy 50.000 tấn hàng dự trữ trong kho để xuất bán ra thị trường, hàng gối vụ năm nay thấp nhất trong các năm.
Năm qua, trước khi bước vào vụ thu hoạch, đa phần ý kiến đều đánh giá sản lượng sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, khoảng quý III/2023, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đưa ra báo cáo ghi nhận sản lượng lại tăng nhẹ. Dẫu vậy, điều này không thể khỏa lấp tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Bởi ngoài Brazil, các quốc gia khác đang giảm mạnh sản lượng, nhất là tại Indonesia và Ấn Độ. Trong khi đó, Malaysia có thể không giảm mạnh, còn sản lượng của Campuchia không đáng kể so với tổng chung toàn cầu.
Trước tình hình trên, năm nay, chính các doanh nghiệp trong Hiệp hội lại đưa ra dự báo nguồn cung giảm sâu, thậm chí chỉ còn 160.000 tấn. Nguyên nhân là do người dân chặt bỏ cây tiêu và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Lại một năm nữa, hồ tiêu kỳ vọng kết thúc năm với giá trị tỷ đô. Tuy nhiên, trên hết, giá trị đó phải phần lớn thuộc về những người nông dân, bởi được vậy thì ngành hàng hồ tiêu mới phát triển bền vững và giữ vị thế trên toàn cầu.
NY