Giá tiêu từ nay đến Tết Nguyên đán có thể tăng nhưng trong biên độ hẹp. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 81.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 80.000 đồng/kg. Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 80.500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 81.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 82.000 đồng/kg.
Hôm nay là ngày tăng giá tiêu đầu tiên trong năm 2024. Năm 2023, thị trường hồ tiêu có 2 lần vượt mức 85.000 đồng/kg nhưng bị lực bán mạnh tại đỉnh kéo lại.
Nhận định về hồ tiêu năm 2024, một số ý kiến chuyên gia đã nêu đà tăng của giá loại nông sản này là hoàn toàn có thể nhưng tăng đến mức nào còn phụ thuộc từng giai đoạn và các yếu tố.
Trước mắt, từ nay đến Tết Âm lịch, dự báo thị trường không có nhiều đột phá, mức giá điều chỉnh trong biên độ hẹp. Mốc giá 90.000 đồng/kg được đặt ra, nhưng khó.
Qua Tết Nguyên đán, các địa phương thu hoạch rộ hồ tiêu, lúc này bức tranh sản lượng sẽ dần hiện rõ. Nếu năm nay mất mùa, cộng với Fed sẽ giảm lãi suất, thì giá tiêu trong nước có thể tăng mạnh, lặp lại kịch bản như năm 2021. Cũng phải nói rằng, giai đoạn đầu năm nguồn cung hồ tiêu chủ yếu từ Việt Nam, khi các nước khác chưa vào vụ. Do vậy giá tiêu Việt Nam sẽ ảnh hưởng chi phối tới thị trường toàn cầu.
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch đầu năm 2024, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.952 USD/tấn, tăng tới 1,64%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.270 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 6.087 USD/tấn, giảm 0,21%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.900 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 4.000 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.700 USD/tấn.
Hãng vận tải hàng hải Maersk của Đan Mạch ngày 31/12 thông báo tất cả tàu vận chuyển của hãng tạm dừng đi qua Biển Đỏ trong vòng 48 tiếng. Quyết định được đưa ra sau khi các tàu của hãng bị tấn công trên tuyến hàng hải này.
Trước nguy cơ hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez tại Biển Đỏ bị gián đoạn bởi các vụ tấn công của lực lượng Houthi, giá cước vận tải biển quốc tế trên tuyến châu Á - châu Âu đã tăng gấp 3 lần thời gian qua đối với hầu hết các loại tàu như tàu tanker, tàu container, tàu chở hàng rời,...
Ông Alan Baer, giám đốc điều hành hãng logistics OL USA (Mỹ) cho biết, giá cước bị đẩy lên nhanh chóng do các hãng vận tải biển tìm cách bù đắp chi phí gia tăng do chuyển hướng tàu.
Nhiều ý kiến nhận định, sau 3 năm khó khăn trước áp lực lạm phát và sự gián đoạn do Covid-19, những kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế thế giới đang trở nên mong manh và bất định trước việc hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez tại Biển Đỏ bị gián đoạn. Điều này có thể là nguồn cơn khiến lực mua mặt hàng hồ tiêu từ các thị trường nhập khẩu yếu đi, từ đó đẩy giá tiêu đi ngang hoặc có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian dài.
NY