Qua tìm hiểu của VnBusiness, được biết Starbucks buộc phải đóng cửa chi nhánh ở phố Hàng Bài là do chủ nhà muốn lấy lại mặt bằng cho thuê. Như chia sẻ của bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam với giới truyền thông, việc tìm kiếm mặt bằng là một trong những khó khăn lớn nhất vì không thể thương lượng giá thuê.
Đóng cửa vì chủ mặt bằng ?
Gõ từ khoá “Starbucks đóng cửa” trên công cụ tìm kiếm Google.com.vn sẽ thấy một loạt thông tin được giới truyền thông đăng tải trong những ngày gần đây quanh chuyện đóng cửa này, với những cái tít như “Starbucks đóng cửa chi nhánh lâu năm nhất ở trung tâm Hà Nội”, “Nóng: Cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Hà Nội sẽ đóng cửa từ ngày 1/7 sau 8 năm hoạt động”, “Cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Hà Nội sắp đóng cửa sau 8 năm hoạt động”, “Starbucks đóng cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội”, “Chi nhánh Starbucks đầu tiên ở Hà Nội bất ngờ thông báo đóng cửa, giới trẻ tiếc nuối khi mất đi một địa điểm check-in huyền thoại”, “Starbucks đóng cửa cửa hàng thứ ba tại Việt Nam”...
Starbucks đang định hướng đi theo sự phát triển của các khu dân cư trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. |
Câu chuyện cửa hàng Starbucks ở Hà Nội đóng cửa cho thấy, chiến lược gia tăng độ phủ trong giai đoạn hiện nay, việc tìm kiếm mặt bằng là một trong những khó khăn. Bên cạnh đó, sức phục hồi tốt của ngành hàng ăn uống (F&B) sau 2 năm chịu tác động của Covid-19 đang đòi hỏi những thương hiệu lớn tiếp tục những hướng đi mới, nhất là linh động trong việc chọn điểm bán.
Thực ra thì thương hiệu cà phê này đang định hướng đi theo sự phát triển của các khu dân cư trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Dù Starbucks có tạm thời đóng cửa bớt chi nhánh, nhưng theo giới chuyên gia, ngành hàng ăn uống (F&B) tính đến tháng hết tháng 6/2022 này đang cho thấy sự phục hồi tốt sau 2 năm chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 và có tốc độ tăng trưởng khá tốt.
Và dự kiến trong Quý 3 và Quý 4/2022, các doanh nghiệp F&B sẽ đạt mức tăng trưởng còn cao hơn nữa. Song song đó, các chủ mặt bằng cho thuê đối với các cửa hàng F&B đã nâng thời gian thuê tối thiểu và áp dụng chính sách tăng giá hàng năm lên đến 10%.
Cần nhắc lại, vào thời điểm năm 2015, sau khi mở 8 cửa hàng ở Tp. HCM, 4 ở Hà Nội với tổng cộng 220 nhân viên, bà Patricia Marques có khẳng định là Starbucks không ngại cạnh tranh ở Việt Nam và muốn mở rộng ra cả những nơi khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Vinh, Vũng Tàu…Tuy nhiên, còn phải nghiên cứu nhiều yếu tố như chi phí, phương thức vận chuyển…
Theo bà Patricia Marques, chi phí nhân công ở Việt Nam rẻ hơn, nhưng có những chi phí khác lại rất đắt đỏ. Ví dụ, chi phí vận chuyển của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Ở đó, việc kiếm một chiếc xe lạnh để vận chuyển bánh rất dễ dàng. Còn ở đây, xe máy là phương tiện chính, giá vận chuyển bằng xe lạnh rất đắt. Ngoài ra, điện ở Việt Nam cũng đắt hơn các nước lân cận nếu tính trên thu nhập đầu người.
Linh động chọn điểm bán
Liên quan đến mặt bằng cho thuê trong ngành hàng F&B, theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại của Savills Hà Nội, áp lực chi phí gia tăng khiến các đơn vị F&B phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Việc lựa chọn mặt bằng phù hợp là yếu tố then chốt quyết định đến khả năng sinh lời.
Bà Minh cho rằng bản thân các cửa hàng F&B đang giảm số lượng các cửa hàng mở theo chuỗi. Họ không cố gắng mở nhiều địa điểm như trước mà tập trung hơn vào những cửa hàng flagship (thuật ngữ để gọi cửa hàng lớn nhất và hiện đại nhất trong chuỗi bán lẻ) có thể đáp ứng được khả năng nhận diện thu hút khách, vừa thuận tiện cho dịch vụ giao hàng.
Mặt bằng khối đế của các tòa nhà văn phòng và dự án nhà ở lớn sở hữu lợi thế về nguồn khách. Do đây là những khu vực đông dân cư nên có sẵn một lượng khách qua lại tự nhiên. Bên cạnh đó, khách thuê địa điểm này sẽ nhận được hỗ trợ từ phía chủ đầu tư do họ coi các dịch vụ này là tiện ích quan trọng dành cho người dân sinh hoạt tại dự án.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng xu hướng ẩm thực và nhu cầu ăn uống liên tục thay đổi, dẫn đến việc các thương hiệu F&B phát triển hình thức phục vụ đa kênh.
Mặc dù hình thức bán hàng online đã phát triển rất mạnh mẽ và phổ biến trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19, tuy nhiên phần lớn khách hàng Việt Nam vẫn ưa chuộng hình thức tự phục vụ tại chỗ hơn. Như vậy, để tối đa lợi nhuận và tiếp cận với lượng khách hàng lớn, các doanh nghiệp F&B có sẽ tiếp tục triển khai bán hàng theo hình thức bán hàng đa kênh.
Xu hướng bán hàng đa kênh cũng được cho là sẽ thúc đẩy những thương hiệu lớn trong ngành F&B tiếp tục “xuống đường” trong thời gian tới.
Theo đó, những chuỗi F&B lớn đang lựa chọn, tìm đến mô hình kiosk và xe lưu động, như là một cách để thử nghiệm bán các món take-away mà không phải lo nhiều về chi phí thuê nhân viên và mặt bằng.
Đây là một phương án ngắn hạn để các đơn vị F&B thử nghiệm ở những thị trường mới, cũng như tăng nhận diện thương hiệu và chạm đến nguồn khách hàng tiềm năng thích khám phá những trải nghiệm mới mẻ.
Nhiều trung tâm thương mại hay tòa nhà văn phòng cũng đã xuất hiện các gian hàng pop-up, dưới dạng kiosk đặt ngay tại sảnh mua sắm. Các chủ cửa hàng F&B thích sáng tạo với những ý tưởng mới mẻ và ngân sách hạn chế có thể áp dụng mô hình này như một cách để thử thị hiếu các thức ăn, đồ uống của họ mà không cần bỏ ra các loại chi phí truyền thống cho đến khi họ sẵn sàng mở cửa hàng.
Trung tâm thương mại cũng hưởng lợi từ làn gió mới đến từ các thương hiệu trẻ và sáng tạo, cung cấp cho người tiêu dùng những trải nghiệm đa dạng, mới mẻ và liên tục thay đổi.
Thanh Loan