Bộ NN&PTNT dự kiến kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021 đạt 14-14,5 tỷ USD, tăng từ 10-11% so với năm 2020, và đạt 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025.
Nhức nhối gian lận xuất xứ
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), đang có những rủi ro cản trở việc hoàn thành các mục tiêu để ngành gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, tồn tại nổi cộm nhất hiện nay là sự mất cân đối giữa nguồn nguyên liệu rừng trồng và năng lực chế biến sâu, tồn tại những rủi ro trong gian lận thương mại, trong đầu tư nước ngoài và rủi ro về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhiệt đới nhập khẩu phục vụ tiêu dùng nội địa.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản dự kiến đạt 18-20 tỷ USD vào 2025. |
Trước tình trạng này, ông Lập kiến nghị Chính phủ và các địa phương cần có chính sách thu hút đầu tư đủ mạnh nhằm thu hút doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái đi kèm chế biến sâu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ...
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại, bao gồm cả các dự án đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án quy mô nhỏ, công nghệ giản đơn, sản xuất các mặt hàng có tín hiệu gian lận, có nguồn vốn Trung Quốc.
Cụ thể, đại diện Vifores đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường cơ chế về kiểm soát chống lẩn tránh, giả mạo xuất xứ. Trong đó, Bộ Công Thương cần hỗ trợ thông tin, kỹ năng, kiến thức cho các hiệp hội gỗ để bảo vệ quyền lợi cho mình. Đồng thời, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu bán thành phẩm đã qua sơ chế để sản xuất các mặt hàng gỗ đang bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra chặt chẽ khâu thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư vào các nhóm sản phẩm có rủi ro cao về gian lận thương mại - những mặt hàng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết, việc hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế đã và sẽ đem lại cho ngành chế biến gỗ, lâm sản những điều kiện thuận lợi để xuất khẩu, song cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như tác động của dịch COVID-19, xu hướng kiện chống bán phá giá, trợ cấp sản phẩm, áp dụng rào cản thuế quan...
Trong khi đó, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, các hiệp định thương mại tự do (FTA) hướng tới việc tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ. Về thuế suất, các nước ký FTA thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4-6 năm cho ngành gỗ Việt Nam, giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.
Tuy nhiên, cùng với các cơ hội và thuận lợi như vậy, ngành gỗ đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, sự gia tăng cạnh tranh của các nước sản xuất chính trên thế giới, cả về giá cả, mẫu mã, chất lượng… và sự gia tăng đầu tư công nghệ tiên tiến để chế biến gỗ xuất khẩu của các nước ASEAN đã và sẽ tác động tới xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Xử nghiêm sử dụng nguyên liệu bất hợp pháp
Các quốc gia trồng rừng và cung cấp nguyên liệu lớn trong khu vực đã và đang có các chính sách hạn chế, quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phần lớn chưa thực sự mạnh, thiếu bền vững (đầu tư dàn trải, quy mô nhỏ, sử dụng nguồn vốn vay, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến; chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng, thiết kế cũng như mẫu mã của khách hàng…). Nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu hợp pháp chưa được chặt chẽ.
Để đảm bảo nguyên liệu, kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến gỗ, đồng thời tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại là vấn đề rất quan trọng với ngành gỗ.
Về phần mình, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường tận dụng cơ hội từ các FTA thông qua đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi FTA, hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu rõ và nắm được quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu; tổ chức việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hướng hiện đại hóa, điện tử hóa, tăng cường triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Trước thực trạng gian lận xuất xứ vẫn đang là vấn đề nhức nhối, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nhập khẩu; 100% doanh nghiệp chế biến cam kết nói không với gỗ bất hợp pháp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sử dụng nguyên liệu gỗ bất hợp pháp, gian lận thương mại, bảo vệ doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần tham gia phát triển thị trường nội địa; duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường chính (như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…); chủ động xúc tiến thương mại vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng.
Thy Lê