Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 8 đạt 1,15 tỷ USD; lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 7,32 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
XK đồ gỗ sang Mỹ tăng đột biến
Trong 8 tháng đầu năm nay, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục duy trì vị trí 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Tỷ trọng XK sang 3 thị trường này chiếm 77,1% tổng giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ.
XK đồ gỗ đang trở thành điểm sáng nhất của XK nông lâm thủy sản (Ảnh: Int) |
Đáng chú ý, XK gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng đột biến với mức tăng 7%. Động lực tăng trưởng XK gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ chủ yếu đến từ nhóm hàng đồ gỗ nội, ngoại thất.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, trị giá XK nhóm hàng đồ gỗ nội thất, ngoại thất đạt 4,06 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng XK mặt hàng này chiếm tới 65,8% tổng trị giá XK gỗ và sản phẩm, tăng 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Thị trường Mỹ chiếm tới 72% tổng trị giá XK đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam. Theo số liệu của Mỹ, chỉ riêng mã hàng đồ gỗ nội thất có code 41000, mỗi năm Mỹ nhập khẩu từ các nước đến 36-39 tỷ USD. Trong đó, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 20,7 tỷ USD; nhập từ Việt Nam gần 5 tỷ USD.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa kết thúc, dư địa cho đồ gỗ nội thất của Việt Nam tăng kim ngạch XK vào Mỹ vẫn còn rất lớn.
Ngành gỗ Việt Nam có nhiều mặt hàng XK thế mạnh như: gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén năng lượng…
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho hay, tuy đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách, đó là dấu hiệu rất tích cực. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số khó khăn nhất định, do các công ty XK gỗ đều thuê các chuyên gia nước ngoài phụ trách các vấn đề về kỹ thuật..., nhưng vì giãn cách xã hội nên không sang Việt Nam được; nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Trung Quốc cũng bị gián đoạn.
Gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ một số quốc gia đang bị đứt đoạn, khiến đồ thị nguồn cung gỗ biến động theo chu kỳ hình sin và dẫn đến thiếu cục bộ. Bù lại, nguồn cung trong nước vẫn đáp ứng được nên doanh nghiệp nhận tất cả các đơn hàng mới của khách.
Cuối năm sẽ càng sáng sủa
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, trong 8 tháng từ đầu năm 2020 đến nay, kim ngạch XK nhóm mặt hàng nông sản giảm 3,2%; nhóm mặt hàng thủy sản giảm 5,3%, riêng nhóm ngành hàng lâm sản giữ được tăng trưởng cao tới gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
“XK đồ gỗ đang trở thành điểm sáng nhất của XK nông lâm thủy sản. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành gỗ Việt Nam đã có những bước chuyển mình để thích ứng và vượt qua thách thức. Nhờ đó, ngành gỗ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng cao”, ông Toản chia sẻ.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá, điển hình trong nỗ lực vượt qua thách thức của ngành gỗ không thể kể đến sáng kiến về nền tảng thương mại trực tuyến của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA).
Theo đó, HAWA đa ra mắt Nền tảng triển lãm trực tuyến của HAWA (HOPE - HAWA Online Platform for Exhibition) nhằm kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ và nội thất Việt Nam với các nhà mua hàng quốc tế.
Trên cơ sở nền tảng này, các nhà trưng bày được thể hiện năng lực cạnh tranh thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, quy mô sản xuất và cung ứng toàn cầu một cách trực quan, chuyên nghiệp để gia tăng cơ hội bán hàng cho các thị trường quốc tế. Nhà mua hàng có thể yên tâm trải nghiệm, tìm kiếm và lựa chọn các đơn vị cung cấp tiềm năng dựa trên các thông tin phong phú được xác thực bởi HAWA.
Bên cạnh sự sáng tạo và thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh mới, ngành gỗ nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các cơ quan trung ương nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì động lực tăng trưởng cho ngành.
Thời gian vừa qua, các Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Vifores đã phối hợp cùng các doanh nghiệp gỗ dán, gỗ ghép thanh triển khai các giải pháp tháo gỡ dứt điểm vướng mắc về vấn đề áp mã HS mặt hàng gỗ ghép thanh.
Theo Vifores, thời gian qua, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên người dân ở nhiều quốc gia không mua sắm nhiều, nhưng đặc thù của ngành gỗ là mua theo mùa, và khách hàng nước ngoài thường mua sắm để trưng bày vào dịp Noel, bây giờ họ đặt hàng nhưng phải 3 - 4 tháng sau mới giao hàng.
Từ giữa tháng 7 đến nay, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng mới, nên hiện tại các doanh nghiệp phải tập trung sản xuất cao độ để phục vụ XK quý cuối năm.
Do hiệu ứng “dồn toa”, nên dự báo XK gỗ và sản phẩm gỗ cuối năm sẽ tăng mạnh hơn nữa và kim ngạch cả năm sẽ trên 12 tỷ USD.
Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, hiện nay, kim ngạch XK đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu, nên các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Tổng thể, thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới rất lớn, khoảng 430 tỷ USD giá trị thương mại đồ nội thất, trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ gỗ.
Thời gian tới, XK gỗ và sản phẩm gỗ sẽ càng tăng trưởng mạnh hơn dưới tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bên cạnh các thị trường truyền thống có trị giá XK cao như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, ngành gỗ Việt cũng có một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ…
Chu Khôi