Nhiều ngân hàng thông báo bán thanh lý ô tô nhằm thu hồi vốn. |
Ngay khi kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới sau dịch Covid-19, hàng loạt ngân hàng như TPBank, VIB, BIDV, VPBank, Vietcombank… đã rao bán thanh lý nhiều ô tô, bất động sản, máy móc... là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ nhằm thu hồi vốn.
Làn sóng thanh lý xe ô tô
TPBank đã ra thông báo bán đấu giá 5 ô tô thương hiệu Toyota, Chevrolet và Kia để thu hồi các khoản nợ tại nhà băng này.
Các mẫu xe được rao bán đợt này bao gồm Toyota Vios E với giá khởi điểm 381 triệu đồng; xe Ford giá khởi điểm 502 triệu; Kia Thaco Frontier giá 269 triệu; Chevrolet Aveo giá 207,7 triệu; Chevrolet Colorado với giá khởi điểm 393 triệu đồng.
Đây là 5 ô tô của 5 khách hàng cá nhân có phát sinh khoản nợ tại ngân hàng với số dư nợ gốc và lãi hiện vào khoảng 2,23 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khách hàng nói trên đều đã mất khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ nên ngân hàng đã thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm và thanh lý thu hồi nợ.
Không riêng TPBank, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng cũng liên tục rao bán các khoản nợ, tài sản đảm bảo để thanh lý thu hồi nợ xấu.
Vietcombank vừa thông báo thanh lý 10 chiếc xe ô tô con cùng một lúc. Cụ thể, Vietcombank chi nhánh Thanh Hoá rao bán 10 chiếc xe ô tô con 5 chỗ nhãn hiệu Kia màu bạc, sản xuất năm 2008-2011, được mô tả là “tài sản nguyên vẹn, tuy nhiên có dấu hiệu xuống cấp”, với giá 60-70 triệu đồng/chiếc.
BIDV Long Biên Hà Nội cũng vừa thông báo về việc đấu giá tài sản là 8 xe khách Thaco Mobilhome lần 9. Đây là các xe giường nằm có 38 - 41 chỗ với giá khởi điểm từ 563 triệu đồng - 1,3 tỷ đồng/chiếc.
Trong khi đó, VPBank mới đây tiếp tục thông báo đấu giá 17 phương tiện vận tải, từ ô tô con đến xe tải với giá từ 276 triệu - 1,5 tỷ đồng. Chiếc có giá cao nhất là ô tô tải hiệu Shacman có giá 1,5 tỷ đồng. Chiếc rẻ nhất là Chevrolet Spark có giá 276 triệu đồng.
VIB cũng rao bán thêm nhiều xe mới, hiện website ngân hàng này đang đăng tải thanh lý tới 71 phương tiện vận tải, với giá khởi điểm từ 210 triệu - 1,5 tỷ đồng.
Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng không chỉ thanh lý ô tô, mà nhiều tài sản đảm bảo khác như bất động sản, thiết bị điện tử.. cũng được dồn dập rao bán nhằm thu hồi nợ.
Giám đốc khối xử lý nợ tại một ngân hàng lớn cho biết, xe hơi là nhóm tài sản có thanh khoản rất tốt và thường được ngân hàng xử lý dễ dàng khi đã thu giữ. Hầu hết các dòng xe đều được thanh lý ngay trong lần mở bán đầu tiên.
“Trừ trường hợp một số xe quá cũ, hỏng hóc nhiều buộc ngân hàng phải hạ giá thấp hơn từ 10-20% để thu hồi vốn. Ngược lại, với các tài sản đảm bảo bằng bất động sản việc thanh lý trở nên khó khăn hơn nhiều do giá trị lớn, và nhiều tài sản còn vướng thủ tục pháp lý”, vị giám đốc này cho hay.
Sắp bán nợ xấu qua sàn giao dịch?
Thực tế, tình trạng “ế” khi các ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo là bất động sản, nhà xưởng, máy móc thời gian qua thường xuyên xảy ra. Nhiều trường hợp thanh lý lần thứ 5 - 7, giá thấp hơn 20-30% nhưng vẫn không có khách mua.
Chẳng hạn, một số tài sản thế chấp của BIDV đã rao bán tới lần thứ 3 (dự án Era Town) nhưng vẫn chưa được "sang tay", hay các khoản nợ được Sacombank rao bán đã hạ giá nhiều lần vẫn không mấy hấp dẫn để thanh khoản.
Theo các chuyên gia, ngân hàng thường đấu giá thất bại, không ai tham gia, phải tổ chức đấu giá rất nhiều lần mới thành công là do khâu định giá tài sản đấu giá chưa chính xác. Trong khi đó, điều này sẽ làm kéo dài thời gian xử lý nợ, gây lãng phí và tốn kém cho ngân hàng.
Ông Phạm Xuân Nghĩa, một nhà đầu tư cho rằng, thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam có điểm hạn chế là quá vướng quan điểm định giá khoản nợ, chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị khoản nợ theo thị trường. Việt Nam hiện nay cũng không có doanh nghiệp làm xếp hạng tín nhiệm nào và hầu hết phải đi thuê nước ngoài.
Trong khi đó, một đại diện của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, hiện nay, định giá về khoản nợ chủ yếu dựa trên giá trị tài sản đảm bảo. Vì vậy, cần định giá dựa trên hoạt động quản trị của doanh nghiệp thì mới đầy đủ, song Việt Nam cũng chưa có văn bản hướng dẫn về việc định giá các khoản nợ.
Sở dĩ nhiều cuộc đấu giá khoản nợ xấu, đấu giá tài sản đảm bảo của nợ xấu phải đấu giá 5 - 6 lần vẫn ế là do định giá quá cao. "Đã là nợ xấu thì không thể kỳ vọng thu được toàn bộ cả nợ gốc, cả nợ lãi được. Ở Hàn Quốc, thu được 20-30% nợ gốc thôi đã là tốt lắm rồi", vị này cho biết.
Để tạo thuận lợi cho các ngân hàng và nhà đầu tư mua bán nợ xấu một cách dễ dàng và minh bạch, VAMC đang xúc tiến việc thành lập sàn giao dịch nợ VAMC, trong đó xây dựng hệ thống thông tin về các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để giới thiệu tới các nhà đầu tư quan tâm, tạo tiền đề để xây dựng trung tâm dữ liệu về nợ xấu nhằm thúc đẩy giao dịch trên thị trường mua bán nợ; trong đó VAMC là trung tâm của thị trường.
Thanh Hoa