Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2020 là 1,77% (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Trong báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi Quốc hội cho thấy, nợ xấu ở một số chương trình tín dụng đặc thù đang gia tăng như: cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi cũng là vấn đề ảnh hưởng đến tín dụng, cho vay dự án BT và BOT. Đặc biệt, trong năm nay nợ xấu có nguy cơ gia tăng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đã xử lý hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu
Báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết về hoạt động chất vấn, đến Quốc hội, NHNN cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.076,95 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26,94 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2020 là 1,77%.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, nợ xấu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhưng, hiện tại ở một số chương trình tín dụng đặc thù thì con số tại báo cáo không được lạc quan cho lắm.
Chẳng hạn, với cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, nợ xấu chương trình cho vay có xu hướng gia tăng, đặc biệt tăng mạnh từ cuối năm 2018 và đang ở mức cao (35,2%).
Thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi cũng là vấn đề ảnh hưởng đến tín dụng. Theo báo cáo, đến cuối tháng 3/2020, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn toàn quốc đạt khoảng 53.772 tỷ đồng. Dư nợ bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi là 1.668 tỷ đồng (trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay nuôi lợn bị thiệt hại 1.475 tỷ đồng).
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn tại 63 tỉnh/thành phố đang có dịch tổng số tiền 1.242 tỷ đồng thông qua các biện pháp: cơ cấu lại thời hạn trả nợ 602 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay 153 tỷ đồng; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh 465 tỷ đồng; biện pháp khác (ưu tiên thu gốc trước, lãi sau…) 22 tỷ đồng.
Với BT, BOT giao thông, bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực này tăng 10,82%, chiếm 1,51%. Đến cuối tháng 3/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35%.
Hiện nay, có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, theo đánh giá sơ bộ của NHNN, đến nay dự kiến bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống.
Ngân hàng ráo riết xử lý nợ xấu
Liên quan đến nợ xấu, trong phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 5/5 vừa qua, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nếu không có dịch Covid-19 thì mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% theo yêu cầu của Quốc hội sẽ thực hiện được vào cuối năm 2020. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh này, dự báo nợ xấu sẽ ở mức 3,67% và có thể tăng lên phụ thuộc diễn biến của dịch bệnh.
Trước tình trạng nợ xấu “phình to” ảnh hưởng đến dòng vốn cũng như hoạt động của ngành ngân hàng, gần đây các ngân hàng liên tục rao bán các khoản nợ hoặc phát mãi tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Công Thương (VietinBank) vừa thông báo bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Thương mại - Tư vấn - Đầu tư - Xây dựng Bách Khoa Việt. Tổng dư nợ đến ngày 13/5 là 541 tỷ đồng và 16 triệu USD, gồm nợ gốc, lãi cộng dồn và lãi chậm trả.
Tài sản đảm bảo đi kèm khoản nợ gồm 17 phần. Trong đó, một loạt bất động sản như 3 thửa đất và tòa nhà 9 tầng tại số 8 Phan Văn Trường, Cầu Giấy (Hà Nội); 42 quyền sử dụng đất tại dự án Khu du lịch sinh thái biển Lạc Việt (Bình Thuận); 90 quyền sử dụng đất tại xã Vĩnh Hảo, Tuy Phong (Bình Thuận); quyền sử dụng và tài sản của nhiều lô đất khác tại TP HCM, Đà Nẵng, Bến Tre, Lâm Đồng.
Ngoài ra, khoản nợ còn bao gồm một số tài sản khác như xe ôtô Bentley Bentayga 2016, cửa hàng xăng dầu tại Lâm Đồng và hàng tồn kho luân chuyển của công ty.
Mới đây BIDV chi nhánh Bến Thành cũng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ hơn 272 tỷ đồng của Công ty TNHH Phạm Tôn. Tài sản đảm bảo là 5 quyền sử dụng đất tại TP HCM, Bình Dương, cùng 14 xe ôtô các loại.
Cùng với đó, BIDV chi nhánh Thành Nam vừa thông báo việc bán đấu giá lần thứ 26 với lô tài sản đảm bảo trị giá hơn 92 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thúy Đạt. Một trường hợp khác là BIDV chi nhánh Gia Định phát mãi 55 căn hộ tại dự án The Era Town, đường 15B Nguyễn Lương Bằng, Phú Mỹ, Quận 7 (TP HCM).
Trước đó, trong tháng 2, ngân hàng cũng rao bán 65 căn hộ tại dự án The Era Town với giá từ 2,5 đến 5,5 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ bán được 10 căn hộ. Trong lần này, 55 căn hộ còn lại được rao bán có giá giảm 5% so với lần trước, khởi điểm từ 2,08 đến 5,26 tỷ đồng, tương đương với diện tích 135,98 m2 đến 368 m2.
Theo đánh giá của các ngân hàng, việc rao bán, đấu giá, các tài sản đấu giá những tài sản lớn không phải việc dễ thực hiện. Bởi trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng như người dân, nhà đầu tư khó có đủ nguồn lực để mua.
Ngoài ra, hiện nay Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu vẫn gặp phải không ít khó khăn trong việc triển khai. Chẳng hạn như số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại Tòa án còn hạn chế. Hay như việc Cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các tổ chức tín dụng trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết.
Huyền Anh