Mới đây, khi gặp gỡ các nhà đầu tư, lãnh đạo của Nova Consumer cho biết trong giai đoạn 2022 - 2026, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 4 - 5 lần (tức là đạt từ 1.300 - 1.500 tỷ đồng) so với mức 300 tỷ đồng của năm 2021.
Nói là một chuyện, làm là chuyện khác
Không chỉ vậy, để sớm đạt mức vốn hoá vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong 3 năm tới (tức gấp 4 lần so với hiện tại) nhằm đem lại hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư, Nova Consumer chú trọng việc mở rộng thị phần hàng tiêu dùng Việt Nam.
Việc dùng thịt mát để chiếm thị trường ngách nhằm dẫn dắt xu hướng tiêu dùng mới sẽ là một thách thức rất lớn, không phải một sớm một chiều có thể làm được. |
Bên cạnh đó, Nova Consumer đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân 50%/năm để đạt doanh thu trên 1 tỷ USD sau 5 năm gia nhập lĩnh vực hàng tiêu dùng. Theo đó, mục tiêu đến năm 2026, doanh thu đạt hơn 21 ngàn tỷ đồng (38% dến từ hàng tiêu dùng, 62% từ mảng nông nghiệp).
Đáng chú ý, doanh nghiệp (DN) còn có mục tiêu hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào giữa tháng 3/2022 và nộp hồ sơ niêm yết để kịp lên sàn HoSE trong tháng 4/2022. Hiện nay, Nova Consumer đang IPO khoảng 10,9 triệu cổ phiếu, giá đặt mua tối thiểu là 43.462 đồng/cổ phiếu.
Cơ sở cho tham vọng của Nova Consumer chính là việc tham gia những ngành hàng tiêu dùng có giá trị lớn và chọn một phân khúc, một ngách có thể dẫn dắt xu hướng tiêu dùng.
Tuy nhiên, nói là một chuyện, còn làm được hay không lại là chuyện khác. Đặc biệt là với ngành hàng tiêu dùng và mảng nông nghiệp được cho là còn đầy bất trắc tại thị trường nội địa giữa tác động của đại dịch Covid-19 cũng như những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng.
Đơn cử, khi tiến vào thị trường thực phẩm tiêu dùng, Nova Consumer cho biết sẽ chuyển đổi hành vi tiêu dùng từ thịt nóng sang thịt mát với tham vọng sẽ chiếm thị trường ngách.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Hiếu Liêm, Chủ tịch Nova Consumer, chiến lược của công ty là không tranh giành thị phần với bất kỳ ai mà sẽ chiếm ngách, và ngách đó sẽ là dẫn dắt xu hướng tiêu dùng mới.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng thịt mát dù có tăng mạnh trong thời gian qua nhưng vẫn khó có "chỗ đứng" lớn tại thị trường Việt Nam. Nhất là khi đặc thù thói quen tiêu dùng của thị trường Việt Nam vẫn chiếm áp đảo là thịt nóng, tiêu thụ trong ngày tại các chợ truyền thống.
Vì thế, nếu nhắm đến việc dùng thịt mát để chiếm thị trường ngách nhằm dẫn dắt xu hướng tiêu dùng mới sẽ là cả thách thức rất lớn, không phải một sớm một chiều có thể làm được.
Mặt khác, thách thức với thị trường ngách thịt mát không chỉ từ lý do thịt mát vẫn xa lạ với thói quen của người tiêu dùng Việt, mà chủ yếu còn ở tổ chức kênh phân phối cho sản phẩm tiêu dùng mới này.
Ngoài vấn đề về thị trường thịt mát, giới phân tích lưu ý các thị trường tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng thay đổi nhanh chóng từ việc đa dạng hóa, hiện đại hóa, và số hóa.
Cho nên, để hiện thực hoá các tham vọng tăng trưởng của mình và dẫn dắt xu hướng tiêu dùng mới như mong muốn, Nova Consumer không chỉ có nói mà phải làm rất nhiều việc nếu muốn giành được trái tim, tâm trí người tiêu dùng Việt.
Không dễ “dắt mũi”
Điều này đòi hỏi Nova Cosumer cần trả lời câu hỏi là sẽ truyền thông như thế nào với người tiêu dùng Việt nếu muốn dẫn dắt họ? Và làm thế nào để chiếm lấy thị phần khi quyết định mở rộng ra thị trường hàng tiêu dùng, trong bối cảnh thị trường này đang có sự cạnh tranh khốc liệt.
Việc cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ trong ngành hàng tiêu dùng cũng là vấn đề được bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư (Công ty chứng khoán SSI) lưu ý khi cảnh báo một số rủi ro trong việc đầu tư vào cổ phiếu của Nova Consumer.
Rủi ro này có thể khiến cho phía Nova Cosumer khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Không chỉ có thế, theo bà Phương, trong đó rủi ro thường thấy khi đầu tư vào mảng nông nghiệp là các biến động về giá nguyên vật liệu, chi phí chăn nuôi, dịch bệnh…
Có thể nói, khi đã thể hiện tham vọng tăng trưởng lợi nhuận “khủng” trên thị trường tiêu dùng Việt thì Nova Consumer hay các DN Việt cần có góc nhìn rộng hơn cho câu hỏi “cạnh tranh ở đâu” so với góc nhìn từng đáp ứng yêu cầu trong quá khứ.
Hoặc như vấn đề phân phối, phía Nova Consumer cho biết chiến lược của họ là tiến vào ngành hàng tiêu dùng nên bắt buộc lựa chọn DN có hệ thống phân phối khá tốt. DN này cũng tỏ ra tự tin khi có hệ thống phân phối khá tốt với hơn 80 ngàn điểm bán ở kênh truyền thống, cùng với hơn 4 ngàn điểm bán lẻ trong siêu thị.
Vây nhưng, giới chuyên gia lưu ý DN nên lựa chọn cách tiếp cận phân phối linh hoạt để đón nhận những thay đổi đang diễn ra trong cơ cấu kênh phân phối. Cơ cấu kênh phân phối kết hợp với những thay đổi nhanh chóng của Việt Nam sẽ đặt ra cho DN nhiều thách thức.
Cần nhắc thêm, mảng đóng góp lớn nhất cho doanh thu hiện tại của Nova Consumer vẫn chỉ là mảng thức ăn chăn nuôi và sức khỏe vật nuôi, còn mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận “khủng” với mảng tiêu dùng thực tế mới chỉ là tham vọng.
Thực ra, tham vọng là mẫu số chung trong hệ sinh thái Nova Group chứ không riêng gì Nova Consumer. Nhất là Nova Group vốn nổi tiếng với những quyết định đầu tư khá mạnh tay, cùng những mục tiêu tăng trưởng táo bạo và cả những khoản nợ nần cũng rất “khủng”, huy động vốn lớn bằng trái phiếu của thành viên tập đoàn này (điển hình như Novaland).
Từ đó để thấy tính khả thi từ tham vọng tăng trưởng của Nova Consumer vẫn có thể làm cho nhiều người nghi hoặc, không dễ bị “dắt mũi”. Cùng với đó vẫn là dấu hỏi lớn: Liệu có thật sự đem lại hiệu quả tài chính cho các nhà đầu tư hay không?
Thanh Loan