Đi đầu trong việc tăng giá cước là Grab. Hãng này đã điều chỉnh giá cước mới cho các dịch vụ GrabBike, GrabBike Premium, GrabExpress Siêu tốc, GrabCar 4 chỗ và GrabCar 7 chỗ. Trong đó, giá cước GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tăng 2.000 đồng lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên, tăng 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Tài xế nửa mừng nửa lo, khách hàng đắn đo sử dụng
GrabCar 7 chỗ tại Hà Nội tăng mạnh lên mức 34.000 đồng cho 2 km đầu tiên, 13.000 đồng cho mỗi km tiếp theo, giá cước theo thời gian di chuyển 550 đồng/phút (mức giá tương ứng trước đây là 32.000 đồng/11.000 đồng/500 đồng). GrabExpress Siêu tốc (Thực phẩm) trên toàn quốc tăng nhẹ lên mức 16.000 đồng cho 3km đầu tiên, 5.500 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Sau Grab, đến lượt Gojek thông báo tăng giá cước dịch vụ xe ôm và giao đồ ăn từ 0h ngày 14/3. Chẳng hạn như tại Hà Nội, giá cước tối thiểu cho các chuyến xe GoRide tăng lên 13.000 đồng và tăng thêm mức 700 - 1.600 đồng cho mỗi km tiếp theo cho các chuyến xe từ 2 - 4km. Các chuyến xe trên 4km có mức tăng thêm 200 - 1.200 đồng cho mỗi km tiếp theo. Còn giá tối thiểu của dịch vụ giao đồ ăn GoFood tại Hà Nội cũng tăng thêm 1.000 đồng, từ 15.000 đồng lên 16.000 đồng….
Lý giải về lý do tăng giá cước các dịch vụ, đại diện các hãng xe công nghệ đều cho hay, việc này sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.
Việc ứng dụng gọi xe tăng giá cước tạo thêm gánh nặng cho người dùng dịch vụ trong bối cảnh thu nhập thời gian qua bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19. |
Tuy nhiên theo anh Uông Văn Tích, một tài xế taxi công nghệ Grab quê ở Đan Phượng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh và giá xăng tăng thì việc điều chỉnh cước dịch vụ cũng chỉ giúp những người lái xe công nghệ như anh có thêm động lực để duy trì công việc, chứ thực chất mức thu nhập của anh vẫn không khá hơn, thậm chí là còn hụt đi. Bởi trước đây, mỗi ngày anh đổ xăng một lần khoảng 550.000 đồng thì bây giờ đã gần gấp đôi.
"Trong khi thời điểm dịch bệnh như thế này đã ít khách rồi, nếu cước dịch vụ mà tăng sẽ khiến khách hàng lại phàn nàn, quay lưng với dịch vụ hơn", anh Tích nói.
Về phía người sử dụng dịch vụ, anh Nguyễn Văn Phương (Mỹ Đình) cho biết trước đây anh thường bắt xe Grab từ nhà đến cơ quan với quãng đường 3 km với chi phí 15.000 đồng. Thế nhưng cũng quãng đường đó, giờ anh phải trả số tiền là 25.000 đồng. “Nếu cứ đà này, chắc tôi phải chuyển sang đi xe đạp cho thuận tiện và đỡ tốn chi phí”, anh Phương chia sẻ.
Thực chất có không ít khách hàng đang tính toán từng đồng trong việc sử dụng các ứng dụng gọi xe để bảo đảm làm sao tổng mức tiền mình phải bỏ ra là thấp nhất. Bởi việc tăng giá xăng dầu cũng là nguyên nhân kéo theo giá các mặt hàng khác trên thị trường đều tăng.
Không nên kiếm lợi thêm trong lúc vật giá leo thang
Việc giá xăng tăng thì theo thông lệ, các hãng xe công nghệ cũng sẽ thường thực hiện tăng giá dịch vụ. Với lý do hỗ trợ các đối tác tài xế thì điều này có vẻ dễ thuyết phục người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, việc các hãng xe tăng giá cước giúp bù vào khoản thu nhập giảm sút của các tài xế vì giá xăng thời gian qua tăng liên tiếp và đã tiệm cận mức 30.000 đồng/lít. Điều này, ở một mức độ nào đó thì hợp lý vì có thể giúp các tài xế bù vào chi phí phải bỏ ra để thực hiện mỗi cuốc xe.
Nhưng không dừng lại ở đó, việc tăng giá cước thực chất còn mang lại lợi ích cho cho phía doanh nghiệp gọi xe công nghệ. Hiện, các đơn vị này có mức chiết khấu phổ biến là khoảng 30%. Theo đó, cứ mỗi 1.000 đồng tăng theo giá cước thì phía doanh nghiệp ứng dụng gọi xe bỏ túi tương ứng khoảng 300 đồng. Trong khi việc xăng tăng giá thực chất không ảnh hưởng trực tiếp đến phía đơn vị này.
Điều đó cho thấy nguồn thu của dịch vụ thay vì để bù đắp thu nhập cho tài xế thì một phần lại đổ vào túi đối tượng không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá xăng.
Hiện nay, mới chỉ có 2 ứng dụng công nghệ là Grab và Gojek thực hiện việc tăng giá cước dịch vụ. Còn ứng dụng gọi xe khác như Be, Gojek, Baemin… vẫn chưa có động thái tăng cước. Tuy nhiên, chưa thể nói trước được việc tăng giá dịch vụ của các hãng xe công nghệ sẽ dừng lại vì theo dự báo của các chuyên gia, giá xăng trong nước sẽ tiếp tục tăng. Điều này là có cơ sở bởi theo ghi nhận, giá dầu toàn cầu tăng gần 40% sau căng thẳng Nga - Ukraine, có thời điểm tăng gần 70% so với đầu năm. Giá xăng bán lẻ của Việt Nam đã tăng gần 20% so với đầu năm và mặc dù có độ trễ, nhưng nhìn chung giá xăng ở Việt Nam diễn biến theo giá thế giới.
Và nếu các hãng xe công nghệ tiếp tục tăng thêm giá dịch vụ gọi xe thì người sử dụng dịch vụ lại phải còng lưng gánh thêm khoản chiết khấu khoảng 30% của phía ứng dụng gọi xe, ngoài ra họ còn phải trả thêm 1.000- 2.000 đồng tùy dịch vụ sử dụng của từng ứng dụng. Điều này cho thấy, việc tăng giá cước không thực sự hiệu quả và bền vững.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho biết không chỉ dừng ở việc giá xăng tăng, người tiêu dùng hiện đang phải chịu áp lực tăng giá từ nhiều mặt hàng, dịch vụ khác nhau. Và khi giá cước các ứng dụng gọi xe tăng cao, đến một lúc nào đó, người tiêu dùng sẽ nhận thấy sự đắt đỏ và hạn chế của dịch vụ gọi xe công nghệ, đặc biệt là các dịch vụ di chuyển cá nhân, đặt đồ ăn, giao hàng đơn lẻ,… Điều này sẽ tác động ngược lại đến thu nhập của các tài xế, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các ứng dụng gọi xe công nghệ.
“Hiện, Nhà nước còn phải thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân. Nếu các ứng dụng gọi xe tăng giá và đổ dồn mọi khó khăn lên người tiêu dùng thì về lâu dài sẽ gây ra hệ lụy bất lợi đó là hạn chế khả năng sử dụng dịch vụ trên thị trường”, ông Liên nói.
Các chuyên gia cho rằng các ứng dụng gọi xe nên chia sẻ bằng cách giảm phần nào tỷ lệ chiết khấu đối với tài xế. Bản thân mỗi tài xế khi thực hiện một cuốc xe phải chi trả rất nhiều khoản như xăng, hao mòn máy móc, tiền điện thoại... Nếu tỷ lệ chiết khấu đến 30% thì khó khăn của tài xế sẽ mãi không được tháo gỡ.
Còn nếu cứ giải quyết vấn đề theo cách tăng cước như hiện nay, phía các ứng dụng gọi xe không những chưa cho thấy có sự chia sẻ với khó khăn với tài xế cũng như người tiêu dùng, mà ngược lại còn khiến khách hàng hiểu rằng họ đang kiếm lợi thêm trong lúc vật giá leo thang.
Tài xế của Grab, anh Đỗ Văn Thường cũng cho rằng, nếu thực hiện tăng giá cước, các ứng dụng gọi xe nên tăng khuyến mại cho khách hàng đỡ thiệt khi sử dụng dịch vụ và cũng là cách để thu hút khách nhiều hơn.
Đối với các ứng dụng gọi xe, nên tiếp tục theo dõi các biến động thị trường xăng dầu để đưa ra các chính sách sao cho hợp lý, vừa bảo đảm hỗ trợ được các đối tác là tài xế, vừa đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Vì việc tăng giá cước, nhất là khi giá cả thị trường cũng đang tăng như hiện nay sẽ gây sự khó chịu cho cả khách hàng lẫn tài xế. Ngược lại, nếu có chiến lược phù hợp, các hãng gọi xe công nghệ sẽ giữ được chân khách hàng và phát triển thị phần của mình trên thị trường.
Như Yến