Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - khẳng định: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 được triển khai đồng bộ, các đơn vị cung ứng dịch vụ, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội đã sẵn sàng chào đón du khách cả nước và bạn bè quốc tế đến Hà Nội”.
Khởi sắc với “Get on Hanoi 2022”
Trong nỗ lực thu hút du khách đến với mình, giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, Hà Nội liên tiếp tổ chức các “chiến dịch” nhằm gây sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. “Du lịch Hà Nội chào 2022” với chủ đề “Get on Hanoi 2022” là hoạt động khởi đầu trong chuỗi các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch đến với thủ đô trong thời gian qua.
Đoàn vận động viên Thái Lan thăm phố cổ Hà Nội trong dịp SEA Games 31. |
Ngay sau khi Chính phủ cho mở cửa du lịch trở lại, các tour du lịch mới lạ cũng liên tục được Thành phố xây dựng, bổ sung phục vụ nhu cầu của du khách đến Hà Nội. Chẳng hạn, các sản phẩm “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” do Công ty Lữ hành Hanoitourist và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp thực hiện; tour đạp xe cao cấp “Một ngày khác lạ giữa lòng Hà Nội quen” của Công ty Amica Travel; tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” hay tour đêm Hỏa Lò “Đêm linh thiêng sáng ngời tinh thần Việt”…
Các bảo tàng, công viên, điểm tham quan và di tích nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò hay Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đều mở cửa. Sau thời gian dài tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19, không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận (quận Hoàn Kiếm) đã mở cửa trở lại.
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra SEA Games 31 vừa qua, lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2022 với chủ đề "Hà Nội - Đến để yêu" được tổ chức từ 13-15/5, du lịch Hà Nội đã để lại ấn tượng sâu đậm cho các đoàn vận động viên và du khách quốc tế.
Cùng với nỗ lực của các ban, ngành của Thành, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh tiến độ, hoàn thiện hệ tiện ích đa dạng, đẳng cấp và chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ chu đáo để bảo đảm đón khách mùa du lịch hè.
Chẳng hạn, Travelner đang thực hiện chương trình khuyến mãi hè 2022 tặng bảo hiểm du lịch quốc tế, bao gồm chi phí điều trị COVID-19, với mức quyền lợi lên đến 50.000 USD dành cho các chặng bay từ quốc tế đến Việt Nam hoặc Việt Nam đi quốc tế có tổng giá trị booking từ 500 USD trở lên.
"Hiện Việt Nam có lợi thế là chính sách thị thực (visa) đã khá thông thoáng dành cho khách du lịch; quy định y tế với người nhập cảnh gỡ bỏ bớt nội dung khai báo y tế khi nhập cảnh... Đến thời điểm này đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để du lịch phục hồi và tạo đà phát triển trong thời gian tới" - Ông Bùi Đức Tuệ - giám đốc điều hành Travelner tự tin.
Phó Giáo sư, T.S Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, du lịch Hà Nội nổi bật 2 dòng sản phẩm chính là du lịch văn hóa và du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm...). Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, các đơn vị kinh doanh điểm đến, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cơ sở ẩm thực... cần bảo đảm phục vụ khách trên nguyên tắc: Giữ chữ tín, niêm yết giá công khai, thái độ phục vụ văn minh lịch sự, thân thiện, hỗ trợ du khách... Các địa phương, đơn vị cần rà soát các cơ sở dịch vụ, xử lý nghiêm trường hợp chèo kéo, cạnh tranh không lành mạnh, “chặt chém” du khách về giá cả.
Nỗ lực chuẩn bị nguồn nhân lực
Lời khuyến của ông Long không phải không có lý, bởi thực tế, trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020-2021, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải cắt giảm nhân sự (có kinh nghiệm chuyên môn). Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, doanh nghiệp ngành du lịch đã cắt giảm nhân sự đến 70-80% trong năm 2020.
Năm 2021, số lao động làm toàn thời gian chỉ còn ở mức 25% so với năm 2020, trong khi đó khoảng 30% lao động nghỉ việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động. Những lao động này quay lại với công việc cũ trước khi theo ngành du lịch và khách sạn, hoặc tìm việc làm khác. Hiện tại, rất nhiều người trong số họ không muốn trở lại làm việc trong ngành du lịch, đặc biệt khi mức lương không còn đủ hấp dẫn.
Ngành du lịch Hà Nội luôn sẵn sàng đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp phục vụ du khách. |
Trong bối cảnh đó, nhiều đơn vị du lịch của Hà Nội, như: VietFoot Travel, Asia Sun Travel, VietSense, Ánh Dương Tour, Unitour… đồng loạt thực hiện chiến dịch “chiêu mộ” trở lại lực lượng lao động cũ và tuyển dụng thêm lao động mới với nhiều chính sách ưu đãi. Theo Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, đơn vị còn sử dụng thêm các cộng tác viên từ những trung tâm đào tạo chuyên ngành du lịch.
Đơn cử, khách sạn Grand Vista Hà Nội, thời điểm khách sạn tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị cho nhân viên nghỉ luân phiên. Hiện nay, khách sạn đã hoạt động trở lại và đã tuyển dụng đầy đủ số lượng nhân sự ở các vị trí. Khách sạn cũng là một trong những cơ sở lưu trú được chọn để phục vụ đoàn vận động viên SEA Games 31 vừa qua. “Chúng tôi tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nhân viên thêm kỹ năng tiếp đón khách quốc tế và kỹ năng phòng, chống dịch theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế”, ông Bùi Tùng, giám đốc điều hành khách sạn cho hay.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, đồng thời là Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nói rằng, nắm bắt được việc khi du lịch hoạt động trở lại cần phải có đội ngũ nhân sự đảm bảo chất lượng và chuyên nghiệp nên ngay từ cuối năm 2021, doanh nghiệp này đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các vị trí việc làm để bổ sung kỹ năng mới, đáp ứng yêu cầu du lịch “bình thường mới”. “Bên cạnh lực lượng lao động chính, công ty sẽ huy động thêm nguồn lực là sinh viên khoa du lịch của các trường đại học để tham gia đón khách quốc tế”, ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Theo tìm hiểu của VnBusiness, khu vực phố cổ nội thành Hà Nội có rất nhiều khách sạn tư nhân, trong đợt dịch COVID-19, hầu hết các khách sạn này đều gặp khó khăn trong kinh doanh, nhân viên xin nghỉ nhiều nên khi trở lại hoạt động. Nhiều khách sạn đã chủ động tuyển dụng đủ lực lượng lao động và tập huấn thêm kỹ năng cho nhân viên trong việc phục vụ, bảo đảm an toàn cho khách.
Thực ra, câu chuyện thiếu nhân lực của ngành du lịch không chỉ riêng gì Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng gặp phải do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi vậy, TS. NUNO F. RIBEIRO - Giảng viên cấp cao, Trưởng nhóm nghiên cứu ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam nói rằng, để đảm bảo nguồn nhân lực trong giai đoạn này, ngành du lịch Việt Nam cần nỗ lực đưa ra các biện pháp đồng bộ nhằm khuyến khích lao động có trình độ quay lại làm việc, đồng thời đào tạo lại những nhân viên đã làm việc lâu năm. Và trên hết, cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở đào tạo cho tất cả các cấp độ, cũng như xây dựng các trường quản trị du lịch và khách sạn với chương trình giảng dạy được quốc tế công nhận.
“Nhiều doanh nghiệp có cơ sở vật chất tốt và phù hợp cho việc đào tạo ngành du lịch tại chỗ, nhưng họ cần hỗ trợ về chi phí. Nếu huy động được sự tham gia của họ thì nỗ lực mở rộng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng sẽ được nâng cao, giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ trong ngành du lịch và khách sạn ở Việt Nam”. Tiến sĩ NUNO F. RIBEIRO đưa ra giải pháp.
Đức Anh