Góp ý về Dự thảo Nghị định xăng dầu mới đây, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch PVOIL nhìn nhận cơ bản vị trí cây xăng dầu hiện nay là cố định. Tuy nhiên, trên thế giới đã triển khai cây xăng di động, vì vậy Việt Nam có thể nghiên cứu mô hình kinh doanh này ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có mật độ cây xăng thưa thớt.
Sếp PVOIL muốn có "cây xăng di động" tại chợ phiên vùng cao. |
Lý giải đề xuất này, ông Dương cho hay thông thường bà con đi xe máy xuống cây xăng mua đầy bình nhưng đi về mất tới nửa bình. "Vậy, tại sao không xây dựng cây xăng di động tại các chợ phiên, nơi có hàng ngàn bà con đến mua - bán", ông nói.
Theo Chủ tịch PVOIL, xây dựng cây xăng di động tại các chợ phiên theo cách là cung cấp bằng xe bồn đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, phục vụ tốt nhất nhiên liệu cho bà con.
"Xây dựng mô hình này, doanh nghiệp có lợi và xã hội có lợi. Chưa kể, sắp tới xe điện có trạm sạc cố định và trạm sạc di động. Vì vậy, cây xăng di động cũng cần được cân nhắc", ông Dương nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề cây xăng di động khi dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83, Bộ Công Thương đã từng đề xuất cho phép loại hình thiết bị bán xăng dầu mini được hoạt động. Tuy vậy đề xuất này vất phải nhiều ý kiến tranh cãi. Vì vậy, cuối cùng đề xuất không được đưa vào Nghị định.
Bộ Công Thương từng cho biết để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho các địa bàn ít được các doanh nghiệp đầu tư cây xăng (do kém hiệu quả về kinh tế), dự thảo quy định các thiết bị này chỉ được bán ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, không được doanh nghiệp đầu tư cây xăng. Ở các vùng này, người dân thường tích trữ bằng can nhựa.
Tuy nhiên, đề xuất này lại vấp phải phản đối mạnh từ phía Bộ Công an. Theo cơ quan này, dự thảo bổ sung loại hình “phương tiện bán xăng dầu mini được hoạt động tại các địa bàn không được doanh nghiệp đầu tư cửa hàng xăng dầu” nhưng trong đó không giới hạn phạm vi, số lượng phương tiện, không quy định khoảng cách an toàn đến khu vực xung quanh, chưa quy định về trang bị chữa cháy.
Thy Lê