Đây là một trong rất nhiều giải pháp được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến diễn ra sáng ngày 25/5 giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về việc kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
Hàng chục nghìn tấn nông sản Bắc Giang chờ tiêu thụ
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, dù tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, song tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chủ động xây dựng: Kịch bản dự trữ, tiêu thụ hàng hóa ứng phó dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh; Phương án đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong tình hình dịch COVID-19; Kế hoạch hỗ trợ đời sống cho công nhân lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly phòng, chống COVID-19.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản đang rất cấp bách. |
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch". Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo kế hoạch sản xuất, nhất là việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) và bà con nông dân trên địa bàn.
Riêng với mặt hàng vải thiều, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020), trong đó vải chín sớm 6.050 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải dự kiến: Vải chín sớm sẽ tập trung thu hoạch rộ 20/5-10/6/2021; vải chính vụ sẽ thu hoạch rộ từ 10/6 - 20/7/2021.
Ông Lê Ánh Dương khẳng định, vải thiều Bắc Giang có chất lượng vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được trồng trọt, chăm sóc ở “Vùng vải an toàn dịch bệnh”, không bị tác động COVID-19; thị trường trong và ngoài nước có thể yên tâm tin dùng.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mong muốn Bộ Công Thương ủng hộ tỉnh Bắc Giang kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức với các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Bắc Giang được lưu thông tiêu thụ khi đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh.
Đại diện lãnh đạo tỉnh hy vọng, Bộ Công Thương làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore...
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, vải sớm còn khoảng 1 tuần nữa sẽ chín rộ, Liên minh HTX tỉnh đang phối hợp với các huyện lập danh sách các DN, HTX làm đầu mối ký kết hợp đồng tiêu thụ với đối tác. Ngày 19/5, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang đã phát đi Công văn số 62/LM-VP gửi Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để đề nghị hỗ trợ kết nối tiêu thụ vải thiều và các nông sản của Bắc Giang.
Cũng theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang, các huyện có xác nhận vùng vải an toàn về dịch bệnh, có lực lượng lái xe hỗ trợ DN thu mua vận chuyển; lái xe được xét nghiệm; có giấy thông hành trong nước do UBND huyện ký; có số điện thoại đường dây nóng khi phát sinh khó khăn.
Theo số liệu từ Liên minh HTX tỉnh, tạm tính tới ngày 22/5, có gần 20 HTX cần hỗ trợ tiêu thụ với khoảng gần 15.000 tấn nông sản, đa số là vải (sớm), đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó Lục Ngạn là địa bàn có số lượng lớn. Cụ thể: HTX hoa quả Lục Ngạn cần tiêu thụ 30 tấn vải, HTX nông nghiệp Tiến Hưng: 50 tấn vải, HTX nông nghiệp sạch Tiến Phát: 180 tấn vải, HTX dịch vụ nông nghiệp Tâm Thịnh: 300 tấn vải, HTX Lục Ngạn Xanh: 300 tấn vải...
'Khai phá' thêm thị trường
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ sẽ phối hợp cùng với Bắc Giang để chủ động lên kịch bản sát thực tế các tình huống có thể xảy ra trong việc tiêu thụ nông sản. Đối với việc vận chuyển hàng hóa của tỉnh Bắc Giang đến các tỉnh, thành khác trên toàn quốc, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế ban hành quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản của các vùng có dịch.
Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các Vụ thị trường nước ngoài cần mở rộng thêm các thị trường khác cho trái vải thiều. |
Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, không chỉ riêng Bắc Giang mà bất cứ bất kỳ tỉnh, thành nào có dịch đều phải tuân thủ đúng quy định. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Bắc Giang và các tỉnh có dịch thực hiện theo đúng hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Công Thương về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa nông sản của vùng có dịch.
Về việc tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong năm nay mà còn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị tỉnh Bắc Giang lưu ý, theo quy định hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, Bắc Giang nên cử một đầu mối là Sở Công Thương hay một đơn vị trực thuộc cấp các giấy tờ chứng nhận theo quy định về phòng, chống dịch đối với nông sản, giúp cho sản phẩm từ Bắc Giang thuận lợi qua các tỉnh, thành phố và tiêu thụ trong thời gian sớm nhất, tránh bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương: Tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, hay Hải Dương, hỗ trợ bà con nông dân, đã, đang và sẽ luôn luôn là ưu tiên số một của Bộ. Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với địa phương, trên tất cả các kênh để bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho người nông dân. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến nghị các DN xuất khẩu đặc biệt chú ý xây dựng quy trình xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua. Bộ trưởng yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại chủ trì phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi và các đơn vị liên quan tham mưu lãnh đạo Bộ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các sở, ban ngành và các DN, HTX và hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện hình thức thu mua, tiêu thụ online và sẽ nhận hàng tại các cửa khẩu.
Bộ trưởng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các Vụ thị trường nước ngoài làm việc với các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương hướng hỗ trợ duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, xử lý vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa tại biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa, nhất là thị trường Trung Quốc.
Các Vụ thị trường nước ngoài cũng phải khẩn trương huy động tối đa nguồn lực và sự vào cuộc của các Thương vụ nhằm hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương trên cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng, đặc biệt quả vải thiều niên vụ 2021. Ngoài các thị trường truyền thống, các Vụ thị trường nước ngoài cần mở rộng thêm các thị trường khác như thị trường có các loại nông sản ôn đới.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều qua/trên môi trường số, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, các phiên giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Thy Lê