Phát biểu tại buổi tọa đàm “Lợi thế cạnh tranh mới của các doanh nghiệp” tổ chức ngày 29/11, hầu hết các diễn giả khẳng định “con tàu” cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, việc đổi mới sáng tạo là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp (DN).
Đổi mới tư duy
Phần lớn DN Việt vẫn ở quy mô nhỏ và vừa (chiếm 97%), khả năng cạnh tranh kém, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng thấp cũng như chưa có chiến lược kinh doanh cụ thể…
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh, quan trọng vẫn là tư duy đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ tất cả các thành viên.
Phó Chủ tịch SVF, Tổng Giám đốc ABBank Phạm Duy Hiếu nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo liên quan tới vấn đề con người chứ không liên quan tới vấn đề tiền bạc. Nó có thể đến từ những thứ rất nhỏ, có những thứ cần đến tiền, có những thứ không”.
Lấy ví dụ, ông Hiếu nêu ngành ngân hàng hiện nay đã có những thay đổi mạnh mẽ, những bài học về tư duy mở mang lại nhiều sự hợp tác mới cho các ngân hàng như: hợp tác với các công ty fintech để cung cấp những dịch vụ thanh toán điện tử, ứng dụng công nghệ mới để mang lại những dịch vụ tiện ích cho khách hàng. Ngay ABBank kết nối đổi mới sáng tạo đã chuyển từ tư duy đóng sang hướng mở.
“Đầu tư đổi mới sáng tạo đi thẳng vào những vấn đề con người, cách thức kích hoạt sự sáng tạo của con người”, ông Hiếu khẳng định.
Đại diện CTCP Misa chia sẻ rằng trong một thế giới năng động và đầy tính cạnh tranh như hiện nay, DN nào chỉ cần đứng im thôi thì các DN khác sẽ vượt lên ngay. Do vậy, DN phải luôn nghĩ cách để tăng năng suất, thêm được các sản phẩm dịch vụ mới. Nếu sản phẩm dịch vụ cũ thì phải tăng được năng suất và tăng thêm được tính năng để có thể cạnh tranh tốt được trên thương trường, mang lại hiệu quả cho người dùng và xã hội.
Vậy, làm thế nào để DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh? Theo ông Hiếu, trước đây để cho ra đời một sản phẩm, các DN phải nghiên cứu và phát triển, còn ngày nay có thể sử dụng kết quả nghiên cứu cả bên trong và bên ngoài… Đây là xu hướng mới thay vì mở trung tâm nghiên cứu với nhiều chi phí.
Ông Hiếu dẫn chứng, hiện nay, ABBank liên kết với 4 viện hàn lâm khoa học khác nhau. Hay khi Facebook mới được chia sẻ tại trường đại học thì chưa có giá trị, nhưng nhờ sự nhân rộng kết quả này đến nay đã trở thành DN hàng trăm tỷ USD.
“Có thể coi những những sản phẩm được nghiên cứu, sáng tạo là một kho tàng, DN nên hợp tác, tránh để nghiên cứu trong ngăn kéo”, ông Hiếu nói.
![]() |
Sáng tạo là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp |
Ngại sáng tạo vì sợ... thanh kiểm tra
Tham luận tại hội thảo, có diễn giả cho rằng có rất nhiều yếu tố để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, tuy nhiên khai thác những yếu tố này cần dựa trên sự sáng tạo. DN không nên nhìn vào nguồn lực sẵn có như có bao nhiêu kỹ sư, bao nhiêu lao động, bao nhiêu máy móc, mà nên học cách khai thác như thế nào cho hiệu quả.
Bàn thêm về vấn đề này, ông Hiếu chỉ ra: “Không phải vốn lớn, không phải bề dày, không phải cá to”, mà DN nhỏ và vừa hãy tìm ra những phương thức kích hoạt sự sáng tạo của cả đội ngũ, hòa chung sự sáng tạo đó với hệ sinh thái khởi nghiệp ở bên ngoài.
“Sự sáng tạo không chỉ riêng bản thân, nếu mang tư duy mở thì những nguồn lực của đổi mới sáng tạo đến từ bên ngoài, với những điểm nối mới sẽ tạo ra sự thành công và phát triển”, ông Hiếu nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Vinalink Tuấn Hà cho rằng phương pháp sáng tạo của người lãnh đạo phải dẫn dắt, đưa ra chủ đề cho sản phẩm (ID) và đề nghị các bộ phận phải đưa ra sáng tạo trong sản phẩm đó, sản phẩm ra đời là kết quả chung tập hợp tất cả của các nhân viên.
“Chúng tôi có một cuốn sổ để ghi lại những sáng tạo của các nhân viên, cuốn sổ đó hiện tương đương với một thạc sỹ học hai năm. Mỗi người trong một lĩnh vực sẽ tạo ra một hệ thống cho công việc của mình, nhân viên có dateline, là cách chúng tôi tạo ra sáng tạo”, ông Hà dẫn dụ.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến lo ngại có một bộ phận DN nhỏ và vừa có tư duy, sẵn sàng đón nhận những cái mới bên ngoài nhưng vẫn ngại lớn, ngại sáng tạo vì sợ phải thanh kiểm tra, DN càng lớn càng bị kiểm tra nhiều.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định: “Việc DN chịu sáng tạo hay không còn phụ thuộc vào chính sách. Nếu như chính sách mà cứ đút lót là được dự án, cứ đút lót là được đất đai thì DN dại gì cạnh tranh? Vì họ cạnh tranh, sáng tạo cũng không bằng anh đi đút lót để được dự án, nhà đất. Nên đừng chê DN, chúng ta phải tạo môi trường công bằng, bình đẳng để các DN cùng cạnh tranh”.
Thanh Hoa