Được biết, các mặt hàng dùng nhiều trong gia đình như: nước giặt, nước rửa chén, kem đánh răng, bát đĩa,... trước thường đi siêu thị mua trong đợt khuyến mãi thì nay nhiều bà nội trợ đã lựa chọn mua trên kênh online của các trang thương mại điện tử để được giá tốt và nhận hàng tại nhà vì không mất thêm phí.
Hàng giá rẻ "làm mưa làm gió"
Chị Nguyễn Liên (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết tần suất mua hàng online của chị hiện nay đã tăng lên 5 - 6 lần mỗi tuần do giá bán online ngày càng hấp dẫn, rẻ hơn trên thị trường 10%-15% và các sàn TMĐT cũng thường gợi ý mua thêm để được giảm giá và miễn phí vận chuyển.
Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Việt có thói quen mua hàng online giá rẻ. |
Điều này có thể khiến người tiêu dùng thỏa mãn vì có thêm nhiều lựa chọn khi mua sắm, nhưng điều này lại là nỗi lo của những nhà sản xuất - cung cấp trong nước khi giờ đây họ không chỉ cạnh tranh với các đối thủ trong nước mà còn đối mặt với các nhà bán hàng giá rẻ nước ngoài xâm nhập qua TMĐT.
Giám đốc kinh doanh ngành hàng mẹ và bé của một công ty đa quốc gia cho biết lần đầu tiên trong năm nay mặt hàng bỉm cũng như đồ dùng em bé của công ty đang phải cạnh tranh vất vả với hàng nội địa Trung Quốc.
"Kênh bán hàng online, sự rầm rộ của các gian hàng TMĐT xuyên biên giới với các cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt và tốc độ giao hàng đã khiến người mua bây giờ không cần phải ra cửa hàng mà được ship tận nhà. Việc bùng nổ các shop quốc tế trên các sàn TMĐT khiến các sản phẩm và gian hàng Việt nói chung chịu sự cạnh tranh lớn cả về chất lượng, mẫu mã", vị này nói.
Ông Phạm Bảo Trung - cố vấn giải pháp tăng trưởng khách hàng của nền tảng Metric - cho biết dữ liệu quý 3-2024 từ thị trường cho thấy phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng đã tăng thị phần đáng kể ở thị trường TMĐT Việt Nam, chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% so với cùng kỳ 2023.
Đặc biệt, báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III-2024 của Metric thể liệt rõ về sự lấn lướt doanh số của các sàn TMĐT có vốn đầu tư ngoại hoặc trụ sở chính ở nước ngoài.
Trong quý III-2024, Tiktok Shop và Shopee tiếp tục là 2 sàn có tăng trưởng dương cả về doanh số và sản lượng so với quý III-2023.
Cụ thể, Tiktok Shop tăng doanh số so với quý III-2023 là 110,6%; Shopee tăng 11,3%. Ngược lại, Lazada sụt giảm 70,5% doanh số.
Tiki và Sendo, 2 sàn TMĐT có yếu tố Việt Nam thể hiện rõ trượt dốc về doanh thu. Trong đó, Tiki sụt giảm 32,1% so với quý III-2023; Sendo sụt giảm 65,3% doanh thu.
Trước đó, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết năm 2023, sàn giao dịch TMĐT lĩnh vực bán buôn bán lẻ được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng: Shopee (81% người dùng internet lựa chọn), Lazada: 42%, TikTok: 34%, trong khi Tiki: 20%; Sendo: 8%; khác: 2%.
Điều này cho thấy, xu hướng mua sắm của người dùng đã thay đổi nhanh chóng, cũng đồng nghĩa thị phần của các sàn TMĐT cũng đang có sự thay đổi lớn.
Song điều đáng lo ngại, tỷ lệ đánh giá không hài lòng từ người mua hàng cũng ngày càng tăng cao.
Một khảo sát gần đây cho thấy, gần 47% người mua hàng không hài lòng với trải nghiệm mua sắm trên các sàn TMĐT mới, đặc biệt là khi tham gia các chương trình khuyến mãi "hời". Điều này đặt ra một lời cảnh tỉnh cho người tiêu dùng là cần phải "tỉnh táo" để tránh rơi vào "bẫy giảm giá", bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình mua sắm trực tuyến.
Sẽ chặn ứng dụng, tên miền nếu vi phạm
Bà Đỗ Mai Phương, Quản lý Phát triển Khách hàng tại Metric, nhận định: "Khi có thêm nhiều sàn TMĐT mới, người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn khi mua hàng; khả năng so sánh giá giữa các sàn, giúp họ tìm ra sản phẩm với mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các sàn sẽ thúc đẩy họ nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, mang đến trải nghiệm tốt hơn."
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đã thay đổi cách thức mua bán của người tiêu dùng. Tuy nhiên, mua sắm online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng. Nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến kinh doanh trực tuyến, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội, đang nảy sinh và cần có hệ thống pháp luật cụ thể để xử lý những bất cập hiện tại.
Mới đây, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết sau tháng 11/2024, Shein và Temu không hoàn thành đăng ký tại Việt Nam sẽ tiến hành chặn ứng dụng, tên miền.
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Long - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương đã làm việc với cơ quan pháp lý của các sàn Temu, Shein.
Trong đó, yêu cầu khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11/2024. Trong thời gian triển khai đăng ký, phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký. Cùng với đó, Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các sàn này khẩn trương nghiên cứu các pháp luật khác có liên quan đến thương mại điện tử như hải quan, thuế.
"Các sàn Shein và Temu đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và trong tháng 11/2024, hai sàn này sẽ đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, cảnh báo người tiêu dùng nguy cơ rủi ro với các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép", ông Long nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ rà soát các quy định có liên quan, kiến nghị Chính phủ về các khuôn khổ quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang được sự quan tâm của dư luận.
Hồng Hương