Theo các tiểu thương, thông thường, rau xanh, thực phẩm - mặt hàng thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình bị đội giá lên cao do phụ thuộc vào diễn biến thời tiết và đôi khi còn là do tính mùa vụ của hàng hóa, khi rau vào cuối vụ, nguồn rau ngày một ít đi thì giá cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, thời điểm này, giá các loại thực phẩm, rau xanh tăng vùn vụt còn do chi phí sản xuất tăng.
Rét đậm kéo dài, rau xanh tăng giá 4 lần
Ngày 22/2, chị Nguyễn Đan Lê (Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Mai, Hà Nội) ra chợ mua 2.000 đồng tiền hành, tuy nhiên, chị hàng rau cho biết giá hành tăng lên 200.000 đồng/kg, vì vậy chị bán ít nhất là 5.000 đồng.
Nhiều mặt hàng rau xanh, củ quả tăng giá mạnh do diễn biến thời tiết và chi phí sản xuất tăng. |
Không chỉ có hành lá, nhiều loại rau thơm đã tăng vọt lên 4 lần. Các loại rau như: bắp cải, rau muống, rau cải… cũng tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.
Chị Đào Thị Xuân, người bán rau tại chợ dân sinh khu đô thị HH cho biết: "Sáng nay, tôi lấy các loại rau thơm như: hành, mùi ta, mùi tàu… mà hoảng hồn với mức tăng giá 2-4 lần. Chẳng hạn, hành có giá từ 50.000 đồng (trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần) nay tăng lên 200.000 đồng/kg, húng quế cũng từ 30.000 đồng tăng lên 100.000 đồng… Rau rất đắt nên tôi chỉ mua số lượng bằng 1/3 so với thời điểm trước vì giá tăng nên người mua ít, khó bán. Nếu bán rẻ đi thì lại không có công”.
Tham khảo tại một số chợ dân sinh cho thấy, các loại rau xanh tăng giá rất mạnh và không dồi dào do rét đậm, rét hại khiến rau tăng trưởng kém. Rau cần: 20.000 đồng/kg, cải xanh, cải cúc, đậu quả: 30.000 đồng/kg; cải thảo: 25.000 đồng/kg; cà rốt, cà chua, khoai tây cũng tăng giá gấp đôi, lên 25.000 đồng/kg; rau ngót, rau muống 15.000 đồng/mớ…
Không riêng rau xanh tăng giá, mà các loại thực phẩm cũng tăng giá theo. Tại các chợ dân sinh, người tiêu dùng đang phải chi thêm từ 20-50% chi phí cho thực phẩm
Mặc dù giá lợn hơi liên tiếp giảm mạnh trong những ngày qua, nhưng ngược lại, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh vẫn neo ở mức cao. Đặc biệt, giá thịt lợn nạc vai, gáy giòn, ba chỉ… lên tới 150.000 đồng/kg, thịt sấn cũng ở mức 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước.
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, giá xăng dầu tăng sẽ tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Lý giải về hiện tượng tăng giá này, đa số người bán hàng cho biết, do thời tiết lạnh giá kéo dài ảnh hưởng đến quá trình phát triển của rau khiến cho giá rau nhập vào đã tăng nên buộc phải bán giá cao.
Rau xanh “đội” giá còn do chi phí sản xuất tăng
Bên cạnh việc tăng giá nhiều mặt hàng rau, thực phẩm do yếu tố thời tiết, người nông dân sản xuất rau còn cho biết, giá tăng còn do chi phí sản xuất tăng.
Ông Nguyễn Văn Công (Mê Linh, Hà Nội) cho biết: “Sau khi thu hoạch vụ rau thời điểm trước Tết, tôi dự định ăn Tết xong sẽ thuê máy cày để xới đất tiếp tục trồng vụ Xuân Hè. Tuy nhiên, giá thuê tăng gấp đôi so với thời điểm trước Tết do giá xăng tăng. Chắc chắn sản phẩm khi thu hoạch cũng phải tăng giá mới có lãi”.
Chị Nguyễn Thị Yên, chủ vườn rau ở Đông Anh, Hà Nội cũng rầu rĩ vì giá xăng dầu và phân bón tăng cao khi đang bước vào thời điểm chăm bón 3ha bắp cải và su hào. “Nhà tôi dùng xăng để chạy máy bơm tưới cây. Giá xăng mấy ngày qua tăng chóng mặt, giá bán bắp cải và su hào chưa biết thế nào chứ giá thành sản xuất tăng cao như vậy thì người nông dân còn nghèo dài dài”, chị Yên bộc bạch.
Trong khi đó, nhiều người trồng rau lo lắng, nếu không tăng giá sẽ gánh lỗ, còn tăng sức mua sẽ giảm, rau ế thì cũng chỉ đổ đi cho trâu bò ăn.
Thực tế, việc giá xăng, dầu đồng loạt tăng cao liên tiếp nhiều phiên khiến người dân không khỏi lo lắng bởi giá hàng hóa trong những ngày tới có thể sẽ tăng theo giá xăng dầu, tác động lớn đến chi tiêu hằng ngày.
“Việc giá xăng tăng lên tới hơn 26 nghìn đồng/lít chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình nhất là với những hộ có thu nhập thấp và trung bình như gia đình tôi. Và khi dịch bệnh ngày càng phức tạp như mấy hôm nay, làm cái gì cũng khó kiếm ra đồng tiền, nếu giá rau, thực phẩm đắt hơn nữa, tôi sẽ giảm thêm mức độ ăn rau và sinh hoạt hằng ngày. Bây giờ đã đang phải giảm rồi”, bà Tạ Thị Yên, người tiêu dùng ở quận Thanh Xuân chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thùy Vân, một tiểu thương bán thịt tại chợ Xanh (Linh Đàm) cho biết, mấy ngày gần đây, do sự biến động của giá xăng dầu nên giá cả nhiều mặt hàng tăng lên khá rõ. Điều này khiến cho việc buôn bán của chị cũng chậm hơn.
“Trước đây, mỗi ngày tôi bán khoảng 2 tạ thịt lợn, nay giảm còn 1 tạ nhưng tình trạng ế hàng vẫn thường xuyên xảy ra. Với đà này có khi tôi phải giảm số lượng xuống”, chị Vân cho biết.
Thanh Hoa