Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ trong nước phụ thuộc vào giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, bình quân giá thành phẩm thế giới vẫn sẽ biến động bất thường, khó lường trong quý III, dao động 145-155 USD một thùng, tức tăng 73-100% so với cùng kỳ 2021.
Biến động của giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay. |
Nếu nhà điều hành không trích lập vào Quỹ bình ổn, cùng với thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về mức sàn từ 11/7 (1.000 đồng/xăng, dầu diesel 500 đồng/lít), giá xăng bán lẻ trong nước sẽ dưới 31.700 đồng, còn dầu dưới 27.100 đồng.
Sang quý IV/2022, giá thành phẩm xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt về 110-115 USD một thùng, giúp giảm giá bán lẻ trong nước đáng kể, về dưới 24.000 đồng một lít; dầu dao động 19.000-20.000 đồng/lít.
Lần điều chỉnh gần đây nhất là ngày 21/7, giá xăng dầu trong nước giảm mạnh từ 1.170 - 3.600 đồng/lít. Cụ thể, cơ quan điều hành quyết định giảm giá xăng E5 RON 92 là 2.710 đồng/lít về mức 25.070 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.600 đồng/lít về mức 26.070 đồng/lít. Dầu diesel cũng giảm với mức nhẹ hơn là 1.740 đồng/lít về 24.850 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.100 đồng/lít về mức 25.240 đồng/lít và dầu mazut giảm 1.170 đồng/kg về mức 16.540 đồng/kg.
Như vậy, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước đã có lần giảm thứ 3 liên tiếp, đưa giá xăng E5 RON 92 và RON 95 về mốc 25.000-26.500 đồng/lít. Mức giá này sẽ tương đương thời điểm cuối tháng 2/2022.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 19 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 6 lần giảm; lần giảm giá mạnh nhất là kỳ điều hành ngày 21/7 là 3.600 đồng/lít và lần tăng mạnh nhất gần 3.000 đồng/lít ngày 11/3.
Để giảm thêm giá xăng dầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2022.
T.Dương