Số liệu khảo sát cho thấy các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) ở Việt Nam đang nắm giữ 75% số lao động trong ngành da giày và chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu da giày. Tỷ lệ tăng trưởng của các DN da giày FDI cũng luôn tốt hơn, ổn định hơn so với các DN nội địa.
Xu hướng chuyển dịch đầu tư
Theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), trong năm 2017, thị trường da giày chủ lực của Việt Nam là Mỹ và EU có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, tại Trung Quốc, do chi phí sản xuất có xu hướng tăng, các DN da giày FDI có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Đặc biệt, sau khi một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có một số FTA đã, đang hoặc sắp có hiệu lực, xu hướng thu hút nhiều vốn ngoại đầu tư cho ngành da giày Việt Nam ngày càng tăng.
Nguyên nhân là do giá nhân công của Việt Nam vẫn rẻ hơn so với nhiều quốc gia, cụ thể là so với Trung Quốc, trở thành một trong những động lực để thu hút vốn của các nhà đầu tư ngoại vào ngành này.
Ngoài ra, những chính sách cởi mở gần đây của Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cung cấp nguyên – phụ liệu da giày đã khuyến khích các nhãn hàng da giày lớn trên thế giới rót vốn đầu tư.
Giới chuyên gia nhận định, từ nay đến năm 2030, Việt Nam vẫn có đủ điều kiện để phát triển ngành da giày dựa trên cơ sở về tính cạnh tranh trong chi phí lao động, GDP bình quân đầu người, các chính sách khuyến khích đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các FTA.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành da giày Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 có thể đạt 11,62%/năm
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho rằng những dự báo về kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam đã có sự điều chỉnh sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP.
Tuy nhiên, dù không có TPP, các DN FDI trong ngành da giày vẫn có niềm tin khi đầu tư vào Việt Nam, vì khi rót vốn vào là họ đã sẵn sàng để nâng cao tính cạnh tranh nhưng điều quan trọng vẫn là thị trường, nếu không tốt, các FTA cũng không có ý nghĩa gì.
Số liệu đưa ra từ hội thảo góp ý về “Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp da giày đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” do Bộ Công Thương tổ chức tại Tp.HCM cuối tuần qua cho thấy tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành da giày giai đoạn 2016 – 2020 có thể đạt 11,62%/năm, phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 24 – 26 tỷ USD.
Cần đầu tư vào chuỗi giá trị
Đến giai đoạn 2021 – 2025, tăng trưởng ngành da giày sẽ giảm xuống, còn khoảng 8,87%/năm, đến năm 2025 đạt 35 – 38 tỷ USD; giai đoạn 2026 – 2035 tăng trưởng thấp hơn, khoảng 6,04%/năm và đến năm 2035, kim ngạch xuất khẩu đạt 50 – 60 tỷ USD. Ngoài ra, ngành da giày sẽ nâng dần tỷ lệ nội địa hóa các loại sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nội địa hóa đạt 45%, năm 2025 đạt 47% và năm 2035 đạt 55%.
Trong khi đó, thực trạng của ngành da giày Việt hiện nay cho thấy phần lớn DN tiêu biểu trong ngành này là các công ty FDI. Các DN trong nước chiếm thị phần rất nhỏ, chủ yếu sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa và gia công theo đơn đặt hàng nước ngoài với nguồn cung ứng nguyên – phụ liệu từ nước ngoài và mẫu mã sản xuất theo chỉ định của khách hàng.
Ngành công nghiệp thuộc da trong nước vẫn đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến nguyên vật liệu, môi trường, công nghệ sản xuất và nhân lực. Sản xuất giày dép vẫn chủ yếu ở hình thức gia công xuất khẩu cho nên giá trị xuất khẩu giày dép dù đạt giá trị cao nhưng giá trị gia tăng cho mỗi sản phẩm lại thấp.
Theo LEFASO, khó khăn lớn nhất của các DN da giày khi đầu tư vào sản xuất nguyên – phụ liệu là nguồn vốn. Đây là trở ngại lớn cho các DN vốn đã quen “tự thân vận động” khi chính sách ưu đãi cho DN đầu tư sản xuất nguyên – phụ liệu vẫn còn hạn chế.
Trên thực tế, do ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển nên tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm da giày xuất khẩu chỉ đạt 40%. Nguyên – phụ liệu (gồm cả da thuộc, vải làm giày, đế giày) vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài hơn 60%, chủ yếu từ Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng đề án điều chỉnh quy hoạch ngành da giày cần xác định cụ thể các mục tiêu mà quy hoạch ngành da giày hướng đến về tỷ trọng của DN Việt Nam, khả năng cung cấp nguyên – phụ liệu, khả năng chiếm lĩnh thị trường nội địa; về giải pháp cũng phải mang tính lâu dài và phát triển bền vững.
Bản thân các DN, khi trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, cũng nhấn mạnh rằng để phát triển bền vững ngành da giày, cần phải đầu tư tiếp vào chuỗi giá trị da giày dù có hay không có TPP.
Còn để nâng chuỗi giá trị cho ngành da giày, Gs.Ts. Nguyễn Mại lưu ý, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương thống nhất trong việc lựa chọn các dự án FDI và nên chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt. Đồng thời cần lắng nghe và giải quyết các vấn đề của DN để tạo điều kiện thực hiện hiệu quả các FTA.
Nói như ông Nguyễn Mạnh Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu da giày, điều cần thiết là phải khuyến khích các DN đầu tư vào những dự án sản xuất nguyên – phụ liệu, các dự án sản xuất hàng thời trang trung – cao cấp nhằm góp phần chuyển đổi nhanh cơ cấu sản phẩm, tăng giá trị xuất khẩu cho da giày.
Thanh Loan