Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU sẽ áp phí nhập khẩu đối với các sản phẩm như thép, xi măng và điện dựa trên lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất. Các khoản phí này nhằm hạn chế “rò rỉ carbon” trên toàn cầu, hướng tới kinh tế xanh, phát triển năng lượng xanh và sản xuất xanh. Để không bị bỏ lại trong cuộc đua chung của thế giới, Việt Nam cần cải thiện và thích ứng để đáp ứng những thay đổi liên tục của CBAM.
Tác động của CBAM đến xuất khẩu của Việt Nam
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước, còn so với cùng kỳ năm trước tăng tới 42%.
Trong đó, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024 xuất khẩu thép của Việt Nam đạt hơn 1,16 triệu tấn với trị giá 822,65 triệu USD, tăng 7,1% về lượng và 7,4% về trị giá so với tháng trước.
Ngành thép Việt Nam có thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng, với khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia, Sri Lanka… Những tín hiệu tích cực trong tháng 1 mang đến triển vọng lạc quan cho năm 2024.
Một số ngành hàng xuất khẩu thay đổi hướng đi xanh hóa ngành. |
Còn đối với ngành phân bón, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024, cả nước đã xuất khẩu 180.221 tấn phân bón, tương đương 72,9 triệu USD, giá trung bình 404,5 USD/tấn, tăng 10,6% về lượng, tăng 2% về kim ngạch nhưng giảm 7,7 % về giá so với tháng 12/2023; còn so với tháng 1/2023 thì tăng 41,7% về lượng, tăng 14% về kim ngạch nhưng giảm 14,5% về giá.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất cho biết, thị trường xi măng gặp nhiều khó khăn trong kênh xuất khẩu. Dự báo về triển vọng của ngành xi măng trong năm 2024, Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng chạm đáy trong quý I/2024 do các yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết Nguyên đán) và nhu cầu vẫn ở mức yếu, nhưng sau đó sẽ có dấu hiệu phục hồi và cải thiện ở quý sau của năm 2024.
Mặc dù tình hình xuất khẩu tháng đầu năm có những khởi sắc, tuy nhiên cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ có những tác động tiêu cực nhẹ tới các nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương, theo Báo cáo Hội nhập kinh tế châu Á (2024) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Thứ nhất, về cơ bản, áp dụng CBAM sẽ làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu, do đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam và kéo theo đó là những ảnh hưởng tới nhu cầu tại thị trường EU.
Thứ hai, xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM là không lớn, bởi những ngành hàng nằm trong phạm vi của CBAM không phải là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế mạnh của Việt Nam như: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Tuy nhiên, tác động của quy định điều chỉnh thuế carbon cũng làm cho giá trị xuất khẩu giảm đi con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với doanh nghiệp.
Trong đó, ngành hàng thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%. Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể.
Xanh hóa nền kinh tế, hướng đi tất yếu của Việt Nam
Những quy định của CBAM sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu, vì vậy Việt Nam cần chủ động tiếp cận lộ trình của CBAM để không bị “đá văng” ra khỏi “cuộc chơi” xuất khẩu của CBAM.
Theo các chuyên gia, đối với cơ quan lãnh đạo, quản lý cần xây dựng cơ chế định giá carbon và thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp xuất khẩu làm việc với người mua hàng tại EU và đóng vai trò nền tảng cho các cuộc đàm phán thương mại với EU liên quan đến CBAM.
Đồng thời, chủ động đối thoại với EU để làm rõ các quy định về CBAM, các mặt hàng, lĩnh vực thuộc đối tượng áp dụng hoặc ưu đãi, miễn giảm; cung cấp các gói ưu đãi về thuế hay tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh.
Nhằm giảm thiểu các tác động xấu đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu, các doanh nghiệp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ của CBAM và chủ động chuẩn bị kế hoạch ứng phó.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ các yêu cầu về báo cáo phát thải khí nhà kính, phát triển các quy trình nội bộ, hệ thống tính toán lượng phát thải phục vụ báo cáo CBAM; áp dụng các chính sách khử carbon, các quy trình, phương pháp sản xuất xanh để giảm lượng khí thải trong quá trình sản xuất.
Tại dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam tập trung xây dựng quy định quản lý, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Qua đó có thể thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh và hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2025 theo thỏa thuận chung tại Hội nghị COP26.
Tác động của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu là một thách thức không nhỏ, nếu xét về ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, lẽ tất yếu về dài hạn, quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, phát triển năng lượng xanh, sản xuất xanh thì đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và phát triển bền vững.
Nguyễn Thảo