Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết ngày 8/8/2019, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc đã chính thức công bố các điều kiện nhập khẩu quản nhãn tươi từ Việt Nam.
Trong ngày 15/8/2019, Đại sứ Việt Nam tại Úc cùng với Trưởng cơ quan Thương vụ đã làm việc với Bộ Nông nghiệp Úc nhằm trao đổi các vấn đề liên quan đến việc xuất khẩu quả nhãn từ Việt Nam.
Úc đưa ra hàng loạt yêu cầu khi nhập khẩu quả nhãn Việt Nam (Ảnh: Internet) |
Theo đó, trước khi nhập khẩu vào Úc, doanh nghiệp nhập khẩu cần đăng ký giấy phép hợp lệ do Bộ Nông nghiệp Úc cấp. Giấy phép nhập khẩu được cấp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhập khẩu.
Nếu nhà nhập khẩu nhận biết được các thông tin cung cấp cho nhân viên phụ trách an toàn sinh học là không chính xác hoặc còn thiếu, nhà nhập khẩu đó hoặc đại lý của họ phải thực hiện sớm nhất có thể việc: Thông báo cho giám đốc cơ quan an toàn sinh học, cung cấp các thông tin bổ sung hoặc chính xác cho giám đốc cơ quan an toàn sinh học.
Về các yêu cầu trước khi xuất khẩu hàng hóa, phía Úc yêu cầu quả nhãn phải có nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu theo hệ thống quy trình vận hành cần thiết để duy trì và xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật và quả nhãn phải trải qua các biện pháp quản lý rủi ro bắt buộc.
Để chứng minh cho sự phù hợp với các yêu cầu này, trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi rõ thông tin bổ sung sau: “Trái cây trong lô hàng này được sản xuất tại Việt Nam phù hợp với các điều kiện nhập khẩu nhãn tươi vào Úc và phù hợp với Chương trình "Xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam vào Úc". Quả nhãn được chiếu xạ với liều lượng tối thiểu là 400 Gy”.
Cùng với thông tin tên cơ sở xử lý và số đăng ký, số thùng trong lô hàng. Đối với vận chuyển bằng đường biển, số container và số niêm phong phải được xác nhận và ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc trên chứng từ thương mại (ví dụ trên vận đơn). Nếu được xác nhận trên vận đơn thì số chứng nhận kiểm dịch thực vật cũng phải được ghi rõ....
Quả nhãn xuất khẩu không được lẫn các chất ô nhiễm (ví dụ, các mảnh từ thân và lá, đất, hạt, hoặc các vật liệu ngoại lai khác). Hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng được ít nhất một trong các phương pháp đóng gói an toàn.
Nhãn tươi đóng gói phải được dán nhãn với các thông tin xác minh đầy đủ nhằm mục đích truy xuất nguồn gốc. Công đoạn đóng gói và vận chuyển không để ô nhiễm bởi kiểm dịch côn trùng hoặc các điều kiện liên quan. Theo đó, tất cả các vật liệu bằng gỗ liên quan đến lô hàng được sử dụng để đóng gói và vận chuyển các sản phẩm tươi phải tuân thủ chính sách về các yêu cầu thông tin phi hàng hóa.
Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến chẳng hạn như rơm.
Đối với vận chuyển bằng đường biển, các container phải được kiểm tra bởi Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập...
Thy Lê