Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Bộ Công Thương cho thấy, đối với năng lượng tái tạo (NLTT), đến nay, Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 130 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng hơn 8.500MW và các dự án điện gió với tổng công suất khoảng 2.000MW.
Xin giấy phép mất 4-5 tháng
Riêng với năng lượng điện gió, Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Theo báo cáo mới nhất từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 31/5/2019 mới chỉ có 7 nhà máy điện gió được đưa vào vận hành, với tổng công suất lắp đặt 331 MW. Theo phản ánh, đa phần nhà đầu tư hiện còn khó khăn trong hợp đồng mua bán điện (PPA).
Các nhà đầu tư cho rằng hợp đồng PPA đặt rủi ro cho họ rất cao nên rất khó để có thể huy động vốn. Cụ thể, các điều khoản về hủy và chấm dứt hợp đồng PPA khiến nhà đầu tư có nguy cơ phải chịu rủi ro cao.
Ví dụ hợp đồng dự kiến là cung cấp điện trong 20 năm cho bên mua, tại Việt Nam chỉ duy nhất EVN có quyền mua điện nhưng lại có điều khoản EVN có thể và được phép hủy hợp đồng bất cứ lúc nào trong thời gian 20 năm này và chỉ phải bồi thường một năm tiền điện trước đó.
Ông Benoit Nguyen, Trưởng Bộ phận Cố vấn NLTT của DNV GL Energy, đặt vấn đề: "Hiện nay, PPA vẫn đang là trở ngại lớn nhất cản trở các nhà đầu tư đầu tư vào điện gió. Tuy nhiên, giả sử khi PPA không còn thách thức, vậy còn có thách thức nào khác?".
Trả lời câu hỏi trên, nhiều nhà đầu tư phản ánh bất cập cần phải kể tới là cơ chế chính sách. Bà Hương Trần, Giám đốc Thương mại của Mainstream Renewable Power, cho biết quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng còn khó khăn so với dự án điện khác, mất thời gian bồi thường, bàn giao mặt bằng. Các dự án điện mặt trời chỉ mất thời gian ngắn xây dựng, nhưng điện gió mất khá nhiều thời gian.
Theo bà Hương Trần, Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương đưa ra cơ chế ưu đãi giá bán điện vào lưới (FIT) tới năm 2021, tức là còn 3 năm nữa để xây dựng các dự án điện gió. Tuy nhiên, không giống điện mặt trời, xây dựng điện gió mất nhiều thời gian hơn do phải xây dựng dữ liệu gió, trong khi thời tiết mỗi ngày khác nhau, vì vậy cần thêm thời gian để thu thập và phân tích dữ liệu về gio, chưa kể đến việc phải mất nhiều năm để thu hút đủ nguồn tài chính.
"Điện gió mất 18- 24 tháng để xây dựng, trong khi điện mặt trời chỉ 6-9 tháng là xong", bà Hương Trần cho biết.
Do vậy, bà Hương Trần kiến nghị, Chính phủ cần kéo dài thời gian hưởng giá FIT cho điện gió thêm vài năm nữa. NLTT không phải là dạng năng lượng cần trong tương lai, mà hiện tại trong bối cảnh năng lượng hóa thạch cạn kiệt, Việt Nam đang rất cần.
Ông Hoàng Phương, mảng đầu tư ngân hàng của Techcombank, cho rằng ngoài vấn đề hợp đồng PPA còn có rủi ro từ một số vấn đề xuất phát từ bản thân công ty phát triển. Việt Nam có chính sách mở cửa, khu vực tư nhân sẵn sàng đầu tư vào NLTT, nhưng do đây là lĩnh vực mới nên câu hỏi đặt ra là liệu họ đã có kinh nghiệm chưa?
"Hiện nay, hầu hết nhà đầu tư vẫn chủ yếu đầu tư vào bất động sản hay một số ngành khác có lợi nhuận cao, NLTT là lĩnh vực mới nên khi bảo lãnh tín dụng, chúng tôi rất lo lắng về năng lực", ông Phương cho biết.
Về quản lý, ông Phương cho rằng trên thực tế vẫn còn một số vấn đề chưa phối hợp tốt giữa Chính phủ, EVN, các cơ quan khác khi thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư, và đây là vấn đề lâu dài cần giải quyết. Đơn cử như để triển khai một dự án điện gió thường phải mất 4-5 tháng mới có giấy phép đầu tư, sau đó cần ít nhất 2 năm triển khai dự án.
Còn nhiều bất cập trong chính sách phát triển điện gió |
Mù mờ về tương lai
Ông Oliver Behrend, Giám đốc đầu tư tại IFC – Tập đoàn Tài chính quốc tế, đánh giá đối với ngành NLTT, Việt Nam có đủ sức hấp dẫn thu hút các đơn vị tham gia. Tuy nhiên, hiện nay đang có sự thiếu gắn kết giữa người hoạch định chính sách và người thực hiện chính sách.
Theo ông Bruce Weller, Trưởng Ban Tài chính dự án, ABN Amro, khi tham gia đầu tư phát triển điện gió có một số vấn đề cần thúc đẩy, trong đó đặc biệt là đơn giản hóa quy trình xin cấp phép đầu tư.
Đồng thời, Việt Nam cần có thêm hoạch định chung, quy hoạch chung phát triển ngành này. PPA là thách thức đầu tiên nhưng không phải duy nhất, bởi một khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư phải biết chủ trương phát triển điện gió của Việt Nam trong 5-10 năm tới là như thế nào, quy hoạch ra sao…
Ông Logan Knox, Giám đốc công ty NLTT UPC, cho biết Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung có nhiều tiềm năng phát triển điện gió. Khi nói tuabin điện gió, các nhà đầu tư đều đánh giá Việt Nam rất tiềm năng, nhưng về lưới điện, bất cập đất đai cũng đang có khó khăn.
Điều quan trọng là cần chính sách rõ ràng, kể cả khi những bất cập trong hợp đồng PPA được giải quyết, việc chưa có chính sách dài hạn và rõ ràng sẽ là hạn chế trong thu hút đầu tư vào điện gió.
Ngoài ra, theo bà Hương Trần, cơ sở hạ tầng là vấn đề lớn với dự án điện gió tại Việt Nam hiện nay. Hầu hết dự án điện gió đều nằm ở nơi phụ tải thấp, chủ yếu ở vùng nông thôn, vì vậy đấu nối vào đường dây 100kV, 200kV đều là thách thức.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận các dự án điện gió, điện mặt trời có đặc điểm chung là chủ yếu phát triển tập trung ở các khu vực nhu cầu phụ tải tại chỗ rất thấp, do đó tại các địa phương đã được bổ sung quy hoạch các dự án điện gió, điện mặt trời với quy mô công suất lớn thì hầu hết công suất phát của các dự án sẽ phải thực hiện thu gom, đấu nối lên lưới điện truyền tải và đưa đến các khu vực có nhu cầu phụ tải lớn.
Tuy nhiên, hạ tầng lưới điện 110kV – 500kV tại các khu vực này mặc dù đã được đầu tư nâng cấp trong các năm qua nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu truyền tải công suất từ các dự án mới được bổ sung quy hoạch.
Theo Bộ Công Thương, việc truyền tải công suất các dự án NLTT tại khu vực tiềm năng lớn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa trong các năm tới gặp nhiều khó khăn do các dự án lưới điện truyền tải theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và các dự án lưới điện 110kV theo Quy hoạch phát triển điện lực các địa phương chưa tính đến việc giải tỏa công suất các dự án NLTT mới được bổ sung trong thời gian qua.
Các quyết định phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án NLTT hầu hết chỉ bổ sung các dự án lưới điện phục vụ đấu nối cho từng dự án cụ thể mà chưa đề cập bổ sung quy hoạch đối với các công trình lưới điện một cách tổng thể, đồng bộ, nên không đáp ứng được yêu cầu giải tỏa công suất từ tất cả dự án.
Lê Thúy
Ông Logan Knox - Giám đốc công ty năng lượng tái tạo UPC Chính phủ phải hiểu thách thức và vượt qua thách thức trung hạn và dài hạn để phát triển tiềm năng của điện gió. Nếu đi theo hướng sai lầm, chúng ta gặp lại một số vấn đề mà quốc gia khác đã gặp phải, không mang lại hiệu quả kinh tế cao với cả nhà đầu tư và người dùng. Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương Khi số lượng dự án điện gió và điện mặt trời tăng nhanh, lưới điện truyền tải của Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở các khu vực có tiềm năng lớn như Bình Thuận và Ninh Thuận không đủ khả năng để giải tỏa cùng một lúc nhiều dự án như vậy. Để giải quyết vấn đề này phải đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải đã có quy hoạch và thậm chí bổ sung một số dự án mới để giải tỏa công suất. Bà Hương Trần - Giám đốc Thương mại Mainstream Renewable Power Việt Nam sẽ sớm thiếu điện trong một vài năm tới do dần cạn kiệt nguồn tài nguyên năng lượng hóa thạch, trong khi có rất nhiều tiềm năng tốt để phát triển điện gió. Hy vọng Chính phủ sẽ thay đổi nội dung hợp đồng PPA, để hấp dẫn hơn với các công ty nước ngoài. Cơ chế giá FIT cũng cần kéo dài sau năm 2021 để thu hút thêm các nguồn đầu tư nước ngoài vào điện gió Việt Nam. |