Theo đánh giá của Viện Dầu khí Việt Nam, Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường xe điện trong tương lai. Bởi hiện tại tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam mới chỉ ở mức 23 xe/1.000 người, bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia.
Sự đổ bộ của các “ông lớn”
Theo kết quả khảo sát do một diễn đàn lớn về ô tô tại Việt Nam thực hiện, có đến 99,4% người tiêu dùng trên 25 tuổi từng nghe tới ô tô điện, trong đó 82% người quan tâm và từng tìm hiểu về ô tô điện.
Đáng chú ý, với những người đã và đang tìm hiểu sâu sắc về ô tô điện, có tới hơn 45% chắc chắn chọn mua ô tô điện trong 12 tháng tới. Trong đó, mẫu ô tô điện cỡ nhỏ di chuyển trong nội đô được người tiêu dùng quan tâm nhất.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, hãng VinFast đã bán được 11.143 chiếc ôtô điện cho khách hàng Việt Nam. |
Kết quả này cho thấy sự đón nhận mạnh mẽ của người tiêu dùng với ô tô điện nói chung, và tiềm năng to lớn của thị trường ô tô điện tại Việt Nam nói riêng.
Nắm bắt cơ hội này gần đây các hãng ô tô điện liên tục tung ra các mẫu xe mới. Điển hình, ngày 7/7, VinFast ra mắt mẫu xe điện mini VF3 chỉ sau khi công bố 1 tháng. Trước đó vài hôm, đối thủ của VF3 là xe ô tô điện Wiling HongGuang MiniEV của TMT Motors - đơn vị phân phối tại Việt Nam cũng chính thức ra mắt vào 29/6.
Bên cạnh đó, nhiều hãng xe lớn “bắt tay” hợp tác và lên kế hoạch ra mắt các mẫu xe điện tại thị trường Việt Nam như: Kia, Huyndai, Audi, Thái Hưng... Vào cuối tháng 6 vừa qua Công ty Thái Hưng (Thái Bình) và Công ty Roding Mobility đã ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, phát triển, sản xuất các dòng xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ tại Việt Nam. Bước đầu, hai bên sẽ tập trung phát triển xe điện nội đô, với sản lượng dự kiến trong 3 năm đầu là 6.000 xe. Sau đó, công ty sẽ sản xuất và giới thiệu 2 mẫu xe điện phân khúc A tại Việt Nam. Dự kiến sản phẩm ra mắt vào năm 2024.
Có thể thấy, thị trường ô tô điện Việt Nam đang trong giai đoạn đầu, với sự góp mặt chủ yếu của 3 thương hiệu VinFast, TMT Motors, TC Group. Trong đó, thị phần ô tô điện hiện nay vẫn thuộc về VinFast. Theo báo cáo kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm, hãng VinFast đã bán được 11.143 chiếc ôtô điện cho khách hàng Việt Nam. Đây được đánh giá là mức doanh số tăng trưởng đáng kể trong khoảng thời gian ngắn.
Ông Vũ Minh Hoàng, Công ty NextGen Việt Nam, đánh giá: "Trong điều kiện khó khăn về kinh tế, dịch bệnh, thị trường Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. Mức bình quân giai đoạn từ năm 2020 đến 2022 đạt 8 - 10%/năm, đây là mức tăng trưởng hiếm thấy".
"Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tham mưu các chính sách để làm sao hỗ trợ cho người tiêu dùng cũng như những tổ chức nghiên cứu, phát triển hệ thống hạ tầng xe điện"
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương.
Trợ lực để thị trường ô tô điện có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ như: ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện về mức 3% đối với các dòng xe dưới 9 chỗ so với mức 15% trước đó. Đồng thời, ở thời điểm hiện tại, các dòng xe điện cũng đã được hưởng ưu đãi miễn 100% phí trước bạ ngay từ đầu năm nay và trong 2 năm tiếp theo.
Giải pháp thúc đẩy sản xuất ô tô điện
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu so sánh với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... hay xa hơn là Mỹ hoặc châu Âu thì các chính sách khuyến khích người sử dụng xe ô tô điện tại Việt Nam được đánh giá là vẫn chưa thể bằng.
Một chuyên gia nhận xét: Người tiêu dùng khi tìm đến xe điện còn cân nhắc đến những hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như vẫn còn rất ít, các giải pháp đồng bộ để phát triển hạ tầng cho ngành công nghiệp xe điện chưa được xây dựng. Chẳng hạn: hạ tầng cung cấp năng lượng, trạm sạc, bài toán về chi phí phụ tùng, cơ sở bảo dưỡng đi kèm…
Một vấn đề được nhiều chuyên gia nhắc đến trong thời gian gần đây, đó là giá điện tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua xe điện của người dân. “Nếu giá điện liên tục tăng thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ có tâm lý e ngại vì so sánh chi phí, sự tiện lợi mà họ phải đối mặt khi sử dụng giữa xe điện và xe xăng”, một chuyên gia nói.
Cách đây chưa lâu, nhận thấy mối tương quan giữa giá điện và sự phát triển của xe điện, góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho biết, phương tiện giao thông chạy bằng điện đang được Nhà nước khuyến khích, nhờ giúp giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên hiện nay, các chủ phương tiện vẫn phải trả giá điện tương đối cao để có thể sạc pin.
Theo VCCI, nếu sạc ở hộ gia đình thường phải trả tiền điện với giá khoảng 3.100 - 3.200 đồng/kWh, sạc tại các điểm dịch vụ cũng thường thu ở mức giá hơn 3.100 đồng/kWh do giá mua điện đầu vào ở mức cao.
Cơ quan này góp ý, cần ưu tiên mức giá điện thấp hơn cho nhóm khách hàng sử dụng điện cho phương tiện giao thông nhằm khuyến khích loại phương tiện này. Đồng thời, VCCI kiến nghị giải pháp tính giá điện cho nhóm khách hàng này bằng cách chia theo giờ cao điểm, thấp điểm và trung bình. "Biện pháp này nhằm khuyến khích người dân điều chỉnh giờ sạc pin", VCCI cho hay.
Thanh Hoa