Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để thực hiện mục tiêu Net zero cũng như chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế Việt Nam theo hướng Xanh hơn, thì 3 vấn đề đặt ra gồm: Cấu trúc, cơ cấu của ngành năng lượng Việt Nam, sau đó là công nghệ; thu hút vốn và giải ngân; cuối cùng là thể chế, cơ chế chính sách… tất cả ngày càng đặt ra cấp bách hơn cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện mục tiêu Net zero cũng như chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế Việt Nam theo hướng xanh hơn, thì 3 vấn đề đặt ra gồm: Cấu trúc, cơ cấu của ngành năng lượng Việt Nam, sau đó là công nghệ. |
Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển năng lượng Xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”, sáng nay (8/8), ông Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo không hề dễ dàng, bởi các hệ thống cung cấp năng lượng Xanh đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.
Dẫn chứng của Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho thấy, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 lên tới hơn 130 tỷ USD, nhưng trong hơn 3 năm qua mới đạt khoảng 30 tỷ USD. Như vậy trong hơn 6 năm còn lại còn cần hơn 100 tỷ USD nữa đầu tư cho ngành điện, là thách thức rất lớn.
Trong khi đó, hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực năng lượng tái tạo; thiếu nguồn linh hoạt, chưa tự chủ sản xuất được thiết bị phát điện, thiết bị chuyển đổi và nối lưới làm tăng giá thành sản xuất điện, thiếu hệ thống lưu trữ năng lượng tin cậy. Các dự án điện LNG cũng gặp nhiều vướng mắc về chính sách khi triển khai thực hiện.
“Chúng ta cũng thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi. Công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa được thị trường hóa…,” Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Phạm Anh Tuấn nói.
Chia sẻ thêm với phóng viên Vnbusiness về chủ đề này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh, cho rằng, từ kinh nghiệm của Việt Nam và tiềm năng trong nước, cho thấy mục tiêu về điện gió điện mặt trời chúng ta có thể làm được, nhưng để đạt được và hiện thực hóa một cách hiệu quả sẽ là câu chuyện liên quan rất nhiều lĩnh vực khác nữa.
Ông Thành dẫn chứng, câu chuyện phát triển điện khí để dần thay thế điện than. Để thay đổi được đòi hỏi phải thay đổi toàn bộ cấu trúc đó, tiếp đến là vấn đề thực hiện, tốc độ thực thi trong khoảng thời gian còn rất ngắn. “Đó là một thách thức vô cùng lớn”... ông Thành nói.
Đối với năng lượng tái tạo, do sự ổn định không cao nên cần có hệ thống lưới điện hay mạng điện để kết nối và hòa nhập. Đây cũng là một thách thức đối với việc phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài ra, về vấn đề công nghệ lưu trữ năng lượng…
“Có thể thấy, bản thân tiềm năng của Việt Nam thì mục tiêu về công suất điện gió, điện mặt trời có thể thực hiện được, nhưng ngoài những khó khăn trên còn có những vướng mắc liên quan bản thân năng lượng, đó là về vấn đề cơ cấu năng lượng, thu hút nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn. Điều quan trọng nhất là vấn đề thực thi, cơ chế thực thi cũng như tốc độ để đảm bảo mục tiêu chuyển đổi xanh khi chúng ta không còn nhiều thời gian cho việc sửa đổi Quy hoạch điện VIII cũng như mục tiêu chuyển đổi xanh đối với ngành năng lượng và kinh tế Việt Nam nói chung” - TS. Võ Trí Thành nói thêm.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh). Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, đồng thời Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các tác đối Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Để cụ thể hoá các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Hồng Hương